Các 'ông lớn' bàn chuyện nhập khẩu than

Các 'ông lớn' bàn chuyện nhập khẩu than
TP - Ba Tập đoàn: Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV); Dầu khí Việt Nam (PVN) và Điện lực Việt Nam (EVN), vừa hoàn tất đề án trình Chính phủ xin thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than cho tổng sơ đồ phát triển điện Việt Nam.
Các 'ông lớn' bàn chuyện nhập khẩu than ảnh 1

Nhập khẩu than được bàn đến nhiều năm gần đây, đến thời điểm này trở thành chuyện cấp bách. Nhập từ nguồn nào, ngoại tệ đâu ra, là những bài toán khó.

Song khó hơn nữa là bài toán phát triển công nghệ, bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, phát triển đồng đều các loại hình điện hạt nhân, điện gió, nhiệt điện đốt bằng khí, trấu…

Ba Tập đoàn: Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV); Dầu khí Việt Nam (PVN) và Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn tất đề án trình Chính phủ xin thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than cho tổng sơ đồ phát triển điện Việt Nam với nhận định việc nhập khẩu than từ năm 2012 trở đi là việc cực kỳ khó khăn và là nhiệm vụ mang tính cấp kỳ.

Nhập vẫn nhập, xuất vẫn… xuất

Theo đề án được ba ông lớn trên xây dựng, sản lượng tiêu thụ than trong nước liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu phát điện.

Năm 2009 sản xuất 40 triệu tấn than thương phẩm, tiêu thụ khoảng 43 triệu tấn. Dự báo nhu cầu than cho điện năm 2010 ở mức 11,4 triệu tấn; năm 2015 là 63,2 triệu tấn. Đến năm 2020 con số này lên tới 196 triệu tấn. Như vậy, TKV không thể đáp ứng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nhanh như trên.

Theo TKV, nhiều hộ tiêu thụ sử dụng than năm sau cao hơn năm trước là do công nghệ lạc hậu. Nguyên nhân khác, do vận chuyển xa, bảo quản không tốt (kho than không có mái che) khiến chất lượng than giảm.

Theo Ban soạn thảo, giá than chậm theo thị trường khiến ngành than khó khăn về nguồn tài chính đầu tư cho công tác thăm dò, phát triển mỏ, thiếu hụt than sẽ càng trầm trọng hơn.

Vì vậy, việc nhập khẩu than trở thành bài toán cần có lời giải ngay. Việc nhập khẩu sẽ giúp giá than trong nước tương đương giá quốc tế, sẽ hạn chế tình trạng xuất khẩu than ngoài luồng hiện nay.

Các 'ông lớn' bàn chuyện nhập khẩu than ảnh 2

Tàu Oriental Topaz cập cảng Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh nhận tấn than xuất khẩu đầu tiên của năm 2010 - Ảnh: Đinh Mạnh Tú

Tuy cho rằng nhập khẩu than trong những năm tới là không thể tránh khỏi, nhưng các ông lớn vẫn giữ quan điểm cần xuất khẩu các loại than mà trong nước chưa dùng đến, thay vì “để dành” cho mai sau.

Hiện công tác đầu tư xây dựng mỏ gặp nhiều khó khăn và do tác động của khủng hoảng, nên sản lượng than theo quy hoạch giai đoạn đến 2015 cung ứng cho nền kinh tế sẽ thấp hơn so với quy hoạch phát triển ngành than.

Trong khi đó, đến năm 2012, than cho các dự án điện của TKV sẽ thiếu 8,2 triệu tấn, và năm 2015 sẽ thiếu 12,8 triệu tấn. Lượng than phải nhập khẩu dự kiến cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam ở mức 28 triệu tấn năm 2015, và 66 triệu tấn năm 2020.

Nước đến chân mới nhảy

Việc nhập khẩu than cho sản xuất điện và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế được đánh giá sẽ chồng chất những khó khăn.

Không xuất khẩu hết than để lấy hiệu quả kinh tế

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Phó Viện Năng lượng cho rằng tất cả các nước có nguồn tài nguyên và dùng để sử dụng được trong nước thì người ta không xuất khẩu. Không nên lấy bài toán đem đi xuất khẩu hết để lấy ngoại tệ.

Hiện Trung Quốc đã đóng cửa mỏ than và chỉ nhập về. Mỹ thì xây các kho dầu khổng lồ để nhập khẩu về. Người ta không xuất khẩu.

Với Việt Nam, chỉ những loại than chất lượng rất cao mà chúng ta chưa sử dụng đến, có thể bán được với giá gấp đôi với than thông thường thì nên xuất khẩu.

Việt Nam từ một nước xuất khẩu than ròng (than antraxit) sẽ trở thành nước nhập khẩu than ròng trong tương lai gần (nhập than mỡ và than năng lượng bitum).

Hiện hầu hết các quốc gia tại châu Á đều đề ra những kế hoạch tham vọng trong phát triển các nhà máy nhiệt điện đốt than. Như vậy, dự báo trung và dài hạn, nhu cầu than nhiệt sẽ tiếp tục tăng trên thị trường khu vực.

Ban soạn thảo cho biết, than nhập khẩu có thể trông chờ nhập từ Indonesia và Úc, nhưng trong bối cảnh thị trường thế giới từ nay tới thời điểm đó cũng sẽ khan hiếm.

Trong khi thị phần nhập khẩu than năng lượng của Australia, Indonesia đã do Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc… nắm giữ, Việt Nam khó có thể đàm phán mua than được, nhất là với số lượng lớn.

Cùng với đó, việc xác định thời hạn hợp đồng dài hạn cũng như cơ chế tính giá than theo giá thị trường và biến động của chi phí vận chuyển cũng là những khó khăn lớn khi tiến hành nhập khẩu than.

“Muốn có khả năng nhập khẩu than ổn định, lâu dài, Việt Nam cần phải mua quyền khai thác mỏ, hoặc có cổ phần sở hữu mỏ than ở nước ngoài. Đây là hình thức đầu tư mới với ngành than - khoáng sản, cơ sở pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư nước ngoài còn thiếu, chưa có cơ sở để triển khai và cần được sớm nghiên cứu giải quyết” - Đề án thừa nhận.

Điểm đáng nói nữa, ngoài những khó khăn, đề xuất được nêu ra, đề án không hề đả động đến việc tìm ra, phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế nhập khẩu than như: Nhiệt điện chạy khí, Phong điện, điện thuỷ triều..., nguồn năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Nhập khẩu than là hết sức bình thường

Ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc TKV thừa nhận Việt Nam phải nhập khẩu than với số lượng lớn từ năm 2015. Đến năm 2020, chúng ta phải nhập khẩu trên 100 triệu tấn than, với mức giá 120 USD/tấn như thời điểm hiện nay, nguồn ngoại tệ chi ra rất lớn. Ông Hòa cho rằng khai thác bể than sông Hồng sẽ là cứu cánh.

Theo ông Hòa, TKV hiện cũng tính đến bài toán hợp tác với nước ngoài để đầu tư công nghệ, nhưng không dễ. Nhật Bản nhập than antraxit Hòn Gai về làm điện cực cho các nhà máy thép. Tuy nhiên, họ chỉ bán cho chúng ta điện cực thành phẩm chứ không bàn giao công nghệ.

Ông Hoà cũng cho rằng, việc đầu tư vào các mỏ than ở nước ngoài của chúng ta đang bị chậm chân. TKV đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và Chính phủ cần có sự chỉ đạo rất quyết liệt mới giải quyết được bài toán này.

“Tôi nghĩ chuyện xuất nhập than là hết sức bình thường. Các nước họ nhập rất nhiều, nhưng đồng thời họ vẫn xuất đi những loại than giá trị cao để nhập về những loại than nhiệt năng rẻ hơn. Hiện đã có khuyến cáo các nhà sản xuất không nên dùng than antraxit để đốt điện, rất lãng phí, do than này chủ yếu dùng cho công nghiệp luyện kim và hóa chất” - Ông Hòa nói.

MỚI - NÓNG