Các PMU không hoạt động theo luật nào cả

Các PMU không hoạt động theo luật nào cả
Tất cả PMU được lập theo quyết định của bộ chủ quản, hay UBND các tỉnh, thành phố khi có dự án triển khai. Vì vậy, các PMU không hoạt động theo luật nào cả.
Các PMU không hoạt động theo luật nào cả ảnh 1

Con đường PMU18 hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương, chạy qua trang trại của một số quan chức PMU18

Ông Dương Đức Ưng - Cố vấn chính sách cao cấp của Chương trình Nâng cao năng lực toàn diện quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và là chuyên gia ODA hàng đầu của Việt Nam - cho biết như vậy.

+ Dư luận gần đây đặc biệt quan tâm về vấn đề nợ ODA của Việt Nam. Ông có thể bình luận gì?

- Nợ ODA đã giải ngân của Việt Nam đến nay là hơn 10 tỷ USD. Nghĩa là bình quân mỗi người dân Việt Nam chịu một món nợ khoảng 37,5 USD. Đối với nhiều gia đình 5 người ở nông thôn, đây là món nợ lớn mà họ phải ky cóp lâu dài.

Nói thế để thấy rằng, vấn đề nợ ODA phải được quan tâm và đáng được quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ đã thông qua chiến lược trả nợ nước ngoài, trong đó tính rất kỹ giai đoạn từ nay đến năm 2010.

Nhưng tất cả các chỉ số nợ ODA của Việt Nam so với GDP, xuất khẩu, dịch vụ trả nợ... đều dưới mức so với tập quán quốc tế. Nghĩa là, nợ ODA của Việt Nam đang nằm trong vùng an toàn. WB, IMF và các nhà tài trợ khác đã kết luận như vậy.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, nước ta cần 10,9 tỷ USD vốn ODA để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 150 tỷ USD. Cộng với dư nợ hiện nay, con số đó vẫn còn trong vòng an toàn và nhất định nước ta phải vay tiếp.

Nhưng trong dài hạn, khi nguồn vốn FDI và đầu tư tư nhân trong nước tăng lên, thì vay nợ nước ngoài của Chính phủ sẽ giảm. Đó là xu thế tất yếu.

+ Việt Nam đã trả hơn 20 triệu USD nợ ODA cho WB. Ông có thể cho biết, việc trả nợ của Việt Nam diễn biến ra sao?

- Việt Nam bắt đầu trả nợ ODA cho các nhà tài trợ cả gốc lẫn lãi từ năm 2002, tức 10 năm sau khi những thoả thuận vay đầu tiên được ký kết. Việc trả nợ, theo tôi biết không phải là gánh nặng. Bộ Tài chính cho biết, nước ta trả rất đúng hạn.

Trong các cam kết ký với các nhà tài trợ, chẳng hạn với Pháp có điều khoản: nếu bất cứ một khoản nào chậm trả, thì nhà tài trợ lập tức sẽ không giải ngân tiếp. Đây là một điều khoản rất chặt chẽ.

Nhật Bản cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nhật Bản luôn quan tâm liệu Việt Nam có yêu cầu được xếp là nước nghèo nhất trong các nước nhận viện trợ của họ và vì vậy được hưởng chế độ xoá nợ hay không. Nhật Bản sẽ không cho một nước đang yêu cầu xoá nợ vay ODA.

Trên thực tế, Nhật Bản công nhận nước ta không chậm trả một khoản nào cả. Họ thường xuyên theo dõi vấn đề này rất sát sao. Tóm lại, việc trả nợ ODA của Việt Nam rất nghiêm túc và an toàn.

Phải Cty hóa các PMU

+ Thưa ông, đâu là hậu quả nhãn tiền của các dự án ODA chậm tiến độ?

- Khi Chính phủ ký một hiệp định vay ODA với WB, nước ta đã phải trả phí 0,5% ngay tức khắc cho số tiền chưa tiêu. Nếu trong 5 năm không giải ngân số tiền đó, nước ta vẫn phải trả khống phí này.

Thành thử, nếu thực tế giải ngân vốn ODA không như dự kiến kế hoạch, số tiền ném qua cửa sổ là rất lớn.

+ Theo ông, những dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, cũng như nhà tài trợ?

- Những dự án như vậy để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là hiệu quả đầu tư kém. Hiện nay, ta đang xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ.

Do ta chậm xét duyệt một kết quả đấu thầu, nên nhà thầu thắng thầu không công nhận khi ta công nhận họ. Nhà thầu này cho rằng, phải tính lại giá gói thầu đó với lý do giá nguyên vật liệu đã tăng sau một thời gian dài. Thế là, ta phải đấu thầu lại.

Một nhà máy điện bị chậm thi công vài năm, trong khi công nghệ của thế giới đã tiến xa rồi. Trong trường hợp này, ta không đảm bảo được hiệu quả đầu tư, mất cơ hội kinh doanh và giảm uy tín trước các nhà tài trợ.

Chúng ta thiếu vốn, người ta mang vốn đến mà thông hấp thụ được, thì quả là sự lãng phí lớn.

+ Có nhiều dự án như vậy không, thưa ông?

- WB đã công bố, tất cả các dự án sử dụng vốn của họ đều chậm tiến độ so với hiệp định đã ký. Còn ADB có duy nhất một dự án hoàn thành đúng tiến độ. Đó là dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nâng cao sinh kế cho các tỉnh miền Nam.

Có nhiều vấn đề phức tạp mà ta không xử lý được, hoặc xử lý rất kém, như việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án xây dựng cơ bản đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện các dự án.

+ Có ý kiến cho rằng, việc chậm tiến độ các dự án là do mô hình ban quản lý dự án (PMU) vốn ODA hoạt động không theo luật nào?

- Nghiên cứu gần đây của Tổ công tác ODA Chính phủ chỉ ra rằng, các PMU của nước ta hiện “chưa ra ngô mà cũng chưa ra khoai”. PMU là cơ quan thay mặt chủ đầu tư, chứ không phải là chủ đầu tư.

Mặt khác, PMU lại không phải là doanh nghiệp vì không hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp.

Hiện nay, tất cả PMU được lập theo một quyết định của bộ chủ quản, hay UBND các tỉnh, thành phố khi họ có dự án triển khai. Vì vậy, tổ chức của các PMU là rất khác nhau, tuỳ vào từng bộ, ngành, địa phương. Tức là, PMU không hoạt động theo luật nào cả. Mà như vậy hậu quả là rất thiếu chặt chẽ.

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tháng Sáu năm nay phải hoàn thành dự thảo Điều lệ về cách tổ chức các PMU, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu nhân sự... nhằm thể chế hoá hoạt động của các PMU.

Quan điểm cá nhân tôi là, Chính phủ nên Cty hoá các PMU trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

+ Hơn 2 năm trước, WB và ADB có quy định chống khép kín trong đấu thầu. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải không được tham gia đấu thầu các dự án ODA do Bộ này quản lý. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có năng lực nhất lại thuộc Bộ này. Vấn đề này được xử lý như thế nào, thưa ông?

Điều này làm nảy sinh tình trạng các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải phải tìm một doanh nghiệp ở ngoài đứng ra đấu thầu. Nếu doanh nghiệp này thắng thì họ thầu lại. Đây chỉ là hình thức để đối phó. Thành thử tôi nghĩ rằng, phải công ty hoá các PMU.

Tư Giang và Đức Minh thực hiện
Theo Đầu tư 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.