Các tập đoàn kinh tế NN: Phải tập trung vào việc chính!

Các tập đoàn kinh tế NN: Phải tập trung vào việc chính!
TP - Đó là thông điệp của Thủ tướng chính phủ. Theo đó, các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước phải đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính không thấp hơn 70%.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính, trong tháng 4/2008, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy định về việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước theo hướng đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính không thấp hơn 70%; đối với các ngành nghề kinh doanh hỗ trợ khác phải là các ngành nghề liên quan, trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính và không vượt quá 30%.

Các tập đoàn kinh tế NN: Phải tập trung vào việc chính! ảnh 1
Tại sàn chứng khoán Bảo Việt  Ảnh: Phạm Yên

Các tập đoàn “làm” chứng khoán 

Đến nay, Việt Nam có 8 tập đoàn (TĐ) kinh tế nhà nước (TĐKTNN), gồm:  Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt).

Sau khi được “nâng cấp” từ các Tổng Công ty lên tập đoàn, nhìn chung các TĐKTNN, bên cạnh ngành nghề kinh doanh chính, đều nhanh chóng tham gia mạnh mẽ vào các ngành nghề “thời thượng” như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…

Nếu như ngày 30/10/2006, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm hình thành TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam, thì đến ngày 14/11/2006 VRG đã thông qua chủ trương thành lập Cty Cổ phần Chứng khoán Cao su, trong đó Tài chính Cao su góp 51 % vốn điều lệ (20,4 tỷ đồng).

Sự xuất hiện của “chứng khoán cao su” không làm dư luận quá ngạc nhiên, vì cùng khoảng thời gian này còn xuất hiện “chứng khoán dầu khí” của PetroVietnam, rồi “chứng khoán tàu thủy” của Vinashin, chứng khoán Bảo Việt “chứng khoán Gia Quyền” với cổ đông lớn nhất là TĐ Dệt may Việt Nam (22% cổ phần). EVN cũng là một trong những TĐKTNN đi đầu hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán...

...Và bất động sản

Trong lĩnh vực bất động sản, giới quan sát biết đến sự tham gia ồ ạt của các TĐKTNN, với: Cty Cổ phần Bất động sản Dệt May (VinatexLand); Cty Kinh doanh Bất động sản - Than Khoáng sản (VinacominLand); Cty Quản lý và Kinh doanh Bất động sản Bảo Việt (sẽ thành lập trong thời gian tới); Cty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland)...

Trong số những dự án bất động sản của các TĐKTNN, gây dư luận nhất là dự án Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực (TTTCTM) tại 69 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) của EVN. Sau khi công luận (trong đó có báo Tiền phong) lên tiếng mạnh mẽ về dự án TTTCTM nêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo trước mắt EVN phải tập trung vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Một chuyên gia kinh tế bình luận rằng, nếu đất nước đang cần điện để phát triển thì EVN hãy tập trung vào ngành nghề chính, thay vì gây dư luận không hay bằng việc xây dựng một trung tâm thương mại “khổng lồ” bên cạnh Hồ Gươm.

Năng động không đúng hướng?

Trước sự vươn ra kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực của các TĐKTNN, trả lời báo chí, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các TĐKTNN đã năng động hơn, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh một cách mạnh mẽ. Nhưng điều đáng lo ngại là sự năng động không đúng hướng, sao nhãng đầu tư nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh.

Thay vào đó là chạy theo lợi nhuận ngắn hạn từ đầu tư vào bất động sản... Việc thành lập các ngân hàng thương mại của các TĐ trong khi khung pháp lý và năng lực giám sát chưa rõ ràng là điều đáng lo ngại, có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Trên thực tế, về mặt pháp luật, cũng như trong các đề án xây dựng TĐKTNN đã được Thủ tướng phê duyệt, đều không cấm các TĐ kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, cụ thể là các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hay ngân hàng.

Đã có những ý kiến viện dẫn việc kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực của nhiều TĐKT trên thế giới để giải thích cho xu hướng “vươn ra” của các TĐKT trong nước. Chẳng hạn, Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) có doanh thu 52 tỷ USD năm 2006, trong khi cùng năm này PetroVietnam có doanh thu 12 tỷ USD.

Ra đời gần như cùng một thời điểm năm 1974, điều gì khiến cho hai TĐ có một cách biệt lớn lao về hiệu quả kinh doanh đến vậy? Một lý do được đưa ra là, doanh thu khổng lồ của Petronas được đóng góp với 50% từ ngành dịch vụ, từ lâu Petronas đã phát triển rất mạnh sang các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản...

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các TĐKT, TCty nhà nước phải đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính không thấp hơn 70%; đối với các ngành nghề kinh doanh hỗ trợ khác phải là các ngành nghề liên quan, trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính và không vượt quá 30%. 

Chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan thì cho rằng, các TĐKTNN được giao nắm giữ trọng trách những ngành huyết mạch của nền kinh tế, đòi hỏi họ không được xao nhãng ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình.

Rõ ràng, như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng phát biểu trên báo chí, sự bành trướng của các TĐKTNN sang mọi lĩnh vực kinh doanh khác vừa đi ngược chủ trương “Nhà nước và DNNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân”, vừa phân tán lực lượng và sức cạnh tranh của DNNN, vừa không giải phóng được những nguồn lực do các DNNN nắm giữ mà không sử dụng có hiệu quả, vừa thêm khó cho Nhà nước trong việc kiểm soát các TĐ này.

Đồng thời, các TĐ lại chiếm thêm phần thị trường, các nguồn lực vật chất và cơ hội kinh doanh vốn đã khiêm tốn cho khu vực tư nhân và doanh nghiêp vừa và nhỏ của Việt Nam khiến khu vực này khó cải thiện được năng lực cạnh tranh, khó lớn lên để phát huy vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.