Cách nào để thành đô thị vệ tinh?

Phối cảnh KÐT Hòa Lạc
Phối cảnh KÐT Hòa Lạc
TP - Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô hơn 60 vạn dân hứa hẹn sẽ giúp trung tâm Hà Nội giảm tải áp lực dân số, hạ tầng, tạo sự chuyển mình trong phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có chính sách khả thi và đủ mạnh, Hòa Lạc chưa biết khi nào mới thực sự trở thành đô thị vệ tinh...

Giậm chân vì thiếu giải pháp

Từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Thủ đô Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị, gồm 1 đô thị trung tâm nội đô, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn. Các đô thị vệ tinh gồm: Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc và Sơn Tây.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người dân trong khu vực quy hoạch đô thị vệ tinh lại đang phải loay hoay khổ sở khi không được phép xây dựng công trình, không được thế chấp tài sản là đất để vay vốn...

Theo UBND xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), về dự án Đại học Quốc gia Hà Nội do khó khăn trong công tác tái định cư vì vấn đề an ninh quốc phòng, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nên hơn 2.000 nhân khẩu vẫn đang sống trong những căn nhà tồi tàn. Ngoài ra, do xã nằm trong quy hoạch nên hệ thống đường giao thông liên thôn đã xuống cấp nhưng không được đầu tư sửa chữa. Một số khu vực đất thu hồi của dân nhưng không sử dụng nên giờ đã hoang hóa, cỏ mọc khắp nơi.

Tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, được quy hoạch là 1 trong 5 đô thị vệ tinh nên nhiều công trình nhà cửa của người dân đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa, cải tạo. Nhiều vùng lúa kém hiệu quả muốn chuyển đổi mô hình nhưng cũng rất khó khăn do vướng quy hoạch lõi đô thị vệ tinh.

Nhiều chuyên gia chỉ ra những bất cập, thậm chí “nghi ngờ” về việc phát triển 5 đô thị vệ tinh ở Hà Nội. Một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) từng cho rằng, ý tưởng phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội khó thành hiện thực, bởi muốn người dân chuyển ra đó sinh sống thì hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ từ trước. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng ở khu trung tâm Hà Nội hiện nay còn thiếu, nói gì đến các khu ngoại thành.

Gỡ nút thắt với “siêu đô thị” 60 vạn dân

Trung tuần tháng 7/2020, UBND TP Hà Nội đã tổ chức công bố Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất và hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Việc xây dựng thành công đô thị này sẽ là bài học quý để Thủ đô phát triển các đô thị vệ tinh còn lại kết nối theo chức năng chuyên biệt, giảm áp lực quá tải cho đô thị lõi.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong 5 quy hoạch đô thị vệ tinh, duy nhất đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt, quá trình nghiên cứu kéo dài từ năm 2015 đến nay, có thể thấy tầm quan trọng của khu đô thị Hòa Lạc.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, đô thị Hòa Lạc với tổng diện tích hơn 42.000 ha sẽ tạo nên quỹ đất rất lớn để phát triển đô thị. Hà Nội kỳ vọng tạo ra đô thị với 1,4- 1,5 triệu cư dân ở 5 khu đô thị (KĐT) vệ tinh, chiếm 15% dân số Thủ đô vào năm 2030, trong đó đô thị Hòa Lạc quy mô lớn nhất với hơn 60 vạn dân.

Tuy nhiên, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cũng có những khó khăn trong phát triển đô thị vệ tinh. Thứ nhất, đây là mô hình mới, để sớm kêu gọi các nhà đầu tư, Hà Nội cần sớm đẩy nhanh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Thứ hai, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp song cần đảm bảo an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải đảm bảo, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn.

Ông Nghiêm thông tin: “Vừa qua, Hà Nội đã được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về tài chính, tuy nhiên vẫn chưa có cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai. Hiện nay, 70% khiếu nại vẫn liên quan đến vấn đề đất đai, do đó cần có giải pháp cho vấn đề này, tránh chậm trễ trong triển khai đô thị vệ tinh”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, đô thị Hòa Lạc có 3 khu vực chính là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội; KĐT sinh thái (thuộc chỉnh thể quy hoạch chung Thủ đô) - tất cả đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hạ tầng khung khu công nghệ cao đã hoàn thiện, đã có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.

Việc phát triển đô thị Hòa Lạc sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông, dân số, hạ tầng nội đô. Bởi trong đô thị Hòa Lạc có đầy đủ các chức năng, như thực thể của đô thị trung tâm với nhà ở, khu vui chơi giải trí, làm việc… người dân sẽ đến đây để ở lâu dài chứ không phải đi lại giữa trung tâm nội đô và đô thị.

Ông Lưu Quang Huy cho rằng, đô thị Hòa Lạc có nhiều ưu thế phát triển bởi có đại lộ Thăng Long đã hoàn thiện, quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 5 chạy từ Trung tâm thành phố lên KĐT… sẽ tạo trục liên thông thuận lợi. Nhờ đó, đô thị Hòa Lạc có sức hút hơn so với các đô thị khác.

Hiện tại, khu công nghệ cao tại đô thị Hòa Lạc đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư như Vingroup, FPT, Viettel, VNPT, Nidec…Tính đến hết năm 2019, nơi đây đã thu hút được 91 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là khoảng 86.367 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.