Cách nào xác định lao động tự do để hỗ trợ?

Cách nào xác định lao động tự do để hỗ trợ?
TPO - Theo các chuyên gia, việc đưa đối tượng lao động tự do vào nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội là cần thiết. Việc xác định nhóm này cần dựa vào xác minh của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nơi người lao động sinh sống. Tuy nhiên, để thực thiện Nghị quyết cần nêu cụ thể lao động tự do ở ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ được hỗ trợ.

Tại dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 6 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.

Cụ thể, các đối tượng gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách đến ngày 31/12/2019; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; người sử dụng lao động bị tác động lớn có nhu cầu vay vốn trả lương cho lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện các chính sách hỗ trợ này, sẽ cần có một ngân khoản khoảng trên 52.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,2 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến chi khoảng 35.880 tỷ đồng, vay Ngân hàng Chính sách là 16.200 tỷ đồng.

Cách nào xác định lao động tự do để hỗ trợ? ảnh 1 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các lao động sẽ cần có một ngân khoản khoảng trên 52.000 tỷ đồng 

Đáng chú ý, việc hỗ trợ nhóm đối tượng “lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm” với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng (4,5,6) đang được nhiều ý kiến tranh luận.  

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu bổ sung những đối tượng này vào sẽ gặp khó khăn khi tổ chức thực hiện. Theo ông Dũng, những đối tượng nhóm này có thể được hiểu là những lao động làm nghề như xe ôm, bán hàng rong, xổ số... tại các thành phố lớn. Đối tượng quá rộng có thể khiến chính sách dễ bị lợi dụng và phá vỡ.

Ông Dũng cũng cho biết, nếu theo phương án này dự kiến tổng kinh phí sẽ tăng thêm là 36,6 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương tăng 25 nghìn tỷ đồng, địa phương tăng 11,6 nghìn tỷ đồng. Điều này sẽ buộc các đơn vị điều chỉnh tăng thu.

Xác minh cụ thể lao động tự do ở lĩnh vực nào?

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đối tượng lao động tự do (không có hợp đồng lao động) bị mất việc làm vào các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý. Bởi đây mới chính là những lao động bị tổn thương nặng nhất do dịch COVID – 19 gây ra.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, để xác định đối tượng này, có thể tính toán bằng phương pháp loại trừ, kết hợp với xác minh ở địa phương.

Cụ thể, sử dụng dữ liệu từ ngành Thuế và từ Bảo hiểm xã hội để loại trừ nhóm đối tượng các hộ gia đình có chủ hộ là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể (có nộp thuế môn bài hàng năm cho hộ kinh doanh) và nhóm lao động chính thức (đã được đóng bảo hiểm xã hội).

Sau khi loại trừ 2 nhóm ở trên, cơ quan chức năng sẽ xác định được nhóm phi chính thức và các hộ làm nông nghiệp. Để hỗ trợ tính chính xác hơn, khi giao về cho địa phương thực hiện, các phòng LĐ-TB&XH, thôn/ xóm/ tổ dân phố có thể lập danh sách và xác minh.

Cách nào xác định lao động tự do để hỗ trợ? ảnh 2 Việc hỗ trợ cho lao động tự do sẽ được chính quyền địa phương xác minh nhưng cần nêu rõ cụ thể hơn

Về nguồn kinh phí hỗ trợ, theo ông Đồng, Chính phủ có thể tạo nguồn tiền cho Quỹ hỗ trợ lao động phi chính thức bằng cách cắt 10% chi thường xuyên từ ngân sách (tiết kiệm từ các lễ hội, hoa hoè, sửa sang trụ sở, các chuyến thăm, công tác, học hỏi chưa cần thiết) ... để chuyển vào quỹ này.

“Trong bối cảnh toàn xã hội, từ người dân đến doanh nghiệp đều gặp khó khăn, việc thắt lưng buộc bụng từ khu vực nhà nước để hỗ trợ là điều cần thiết. Nếu Chính phủ thực hiện được điều này sẽ rất được người dân hoan nghênh”, ông Đồng chia sẻ.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, điều quan tâm nhất trong việc tổ chức thực hiện gói hỗ trợ là đối tượng NLĐ không có hợp đồng lao động, lao động tự do.

Theo ông Quảng, số lao động này bị mất việc thường xuyên, chịu tác động nhanh và rõ rệt nhất của đại dịch. Ngoài ra, hầu hết lao động tự do khi mất việc đã trở về địa phương nên chính quyền cần xác định, thống kê nhanh chóng để hỗ trợ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay.

Với nhóm đối tượng này, ông Quảng đề xuất chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng có thể phối hợp để có hướng xử lý. “Trong các cuộc điều tra về lao động phi chính thức, cơ quan chức năng đã có số liệu lao động này. Do vậy, có thể áp dụng từ những dữ liệu và cách làm trước đó để cập nhật danh sách", ông Quảng chia sẻ.

Với nhóm lao động tự do (như bán hàng rong, sổ xố…), theo ông Quảng, cần dựa vào xác minh của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nơi người lao động sinh sống. Thủ tục nhận hỗ trợ cần nhanh, gọn.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, việc xác định lao động tự do, lao động không có hợp đồng trên địa bàn rất khó khăn khi Hà Nội có hơn 4 triệu lao động.

Do đó, ông Dân đề nghị, trong Nghị quyết các Bộ cần nêu rõ và cụ thể hơn. Lao động tự do ở ngành nghề nào, lĩnh vực nào sẽ được hỗ trợ. Chẳng hạn, lao động tự do ở tại các nhà hàng, quán bia, các siêu thị, chợ, trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy móc…

"Nếu xác định được lĩnh vực, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rà soát các hộ kinh doanh, loại hình doanh nghiệp theo tiêu chí đó để lập danh sách. Ngoài ra, với những lao động tự do đã trở về địa phương, Nghị quyết cần nêu rõ ở TP sẽ hỗ trợ, hay địa phương nơi lao động cư trú sẽ hỗ trợ. Như vậy, chính quyền địa phương có phương án và dễ dàng thực hiện hơn”, ông Dân kiến nghị.

Báo cáo lao động phi chính thức gần nhất của Việt Nam vào năm 2016 do Tổng cục thống kê (Bộ KH&ĐT) và Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thực hiện cho thấy, quy mô của lao động phi chính thức của Việt Nam khá lớn với trên 20 triệu người. Trong đó, Hà Nội và TP HCM là hai thành phố lớn có số lao động phi chính thức lớn nhất, chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước.

Báo cáo này cũng chỉ ra, những lao động trong khu vực phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội…Trong đó, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương) trong khi lao động chính thức chỉ có 14% được xếp vào nhóm này.

Cũng theo báo cáo, phần lớn lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành: “Công nghiệp chế biến, chế tạo”, “Xây dựng” và “Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy” với tỷ trọng gần 70% tổng số lao động phi chính thức. Tiếp theo đó, nhóm ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống” với khoảng 11%.
MỚI - NÓNG