'Cài cắm' có lợi cho mình, gây khó doanh nghiệp

Cơ quan chức năng kiểm tra gỗ nhập khẩu. Ảnh: minh họa.
Cơ quan chức năng kiểm tra gỗ nhập khẩu. Ảnh: minh họa.
TP - Một số thông tư mới ban hành của các bộ, ngành gần đây khiến DN phải chịu phí cao hơn quy định cũ. Thậm chí có bộ ngành còn tranh thủ “cài cắm” điều kiện có lợi cho mình, gây khó khăn cho DN.

Anh Nguyễn Anh Đức, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ cho biết, mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lưu kho bãi hàng hoá. Theo anh Đức, lí do khiến hàng hoá của anh phải lưu kho bãi lâu vì cơ quan kiểm dịch yêu cầu nhất thiết phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.

DN mất hàng chục tỷ đồng mỗi năm

“Nhiều lần hàng về, chúng tôi đã có giấy này nhưng cơ quan kiểm dịch nghi ngờ, tiến hành xác minh xong mới được đăng ký kiểm dịch. Tuy nhiên, việc xác minh mất nhiều thời gian, khiến có tháng công ty mất tới 2,5 tỷ đồng tiền lưu kho hàng hoá. Chưa kể hàng để lâu ngoài kho bãi bị hư hỏng khiến doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép”, anh Đức phàn nàn.

Chị Nguyễn Lan Anh, chủ một công ty thuộc ngành thú y tại TP HCM cho biết, một số thông tư mới ra đời khiến công ty chị phải tốn mức phí gấp hơn 2 lần trước kia. Chị Lan Anh dẫn chứng, theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (ngày 14/11/2016), mức phí mới về kiểm dịch thú y rất cao và chênh lệch lớn so với mức phí cũ.

“Năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của chúng tôi chỉ khoảng 300 triệu đồng/tháng. Sau khi áp dụng thông tư này, số tiền tăng lên gần 700 triệu đồng/tháng. Chi phí tăng khiến chúng tôi rất khó khăn, hàng hoá dịch vụ không thể cạnh tranh”, chị Lan Anh nói.

Với những vướng mắc trên, các DN như của anh Đức, chị Lan Anh đã kiến nghị tới Bộ KH&ĐT khi bộ này tiến hành nghiên cứu về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), tạo thuận lợi cho DN phát triển. Bộ KH&ĐT đã chỉ ra hàng loạt trường hợp, cơ quan chức năng cố tình gây khó khăn cho DN. Tiêu biểu như vướng mắc trong xác định giá trị hải quan.

“Tình trạng tham vấn giá tràn lan là một vấn đề nhức nhối của DN trong thủ tục hải quan. Việc cơ quan hải quan áp dụng biện pháp tham vấn giá tràn lan, không trên cơ sở thị trường, không căn cứ theo thực tiễn hoạt động kinh doanh của DN; tùy ý đưa ra các yêu cầu về cung cấp bằng chứng. Nhiều trường hợp cơ quan hải quan không đưa ra được bằng chứng về nghi vấn giá”, đại diện Bộ KH&ĐT dẫn chứng.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, thực tế trên của cơ quan hải quan gây nhiều bức xúc, thiệt hại cho DN và làm giảm mức độ đánh giá của DN về cải cách chung của ngành hải quan, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Tranh thủ “cài cắm” điều kiện làm khó DN

Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, trên thực tế, có bộ ngành lại “đẻ” ra nhiều quy định mới như mở rộng phạm vi mặt hàng kiểm tra. Điều này được Bộ KH&ĐT chỉ ra trong Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, thực tế cho thấy thông tư của một số bộ có xu hướng mở rộng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của luật. Bộ này dẫn chứng với “sản phẩm động vật” quy định tại Luật Thú y được mở rộng tại Phụ lục I, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT (ngày 30/6/2016). Thoạt nhìn, DN vui mừng bởi thông tư này thay thế hàng loạt văn bản quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y… Tuy nhiên, theo thông tư mới, các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã mở rộng. Một số mặt hàng trước kia không bị kiểm tra chuyên ngành nay đã đưa vào kiểm tra như “sản phẩm từ sữa;  sản phẩm từ trứng; thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật”.

“Điều này khiến cho diện hàng hoá phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Ngoài ra, việc mở rộng mặt hàng kiểm tra khiến nhiều DN “khóc dở, mếu dở”. Đại diện một DN kinh doanh mực in cho biết, Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã thay đổi căn bản việc thực hiện thủ tục khai báo hóa chất, nhưng lại phát sinh khó khăn mới. Đó là việc mở rộng phạm vi các mặt hàng hóa chất phải khai báo.

“Quy định phải khai báo mặt hàng “hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo”, khiến DN và hải quan gặp khó khăn khi thực hiện. Do không thể nhận biết bằng mắt thường để yêu cầu khai báo, mặt hàng mực in của chúng tôi trước đây nhập khẩu bình thường, nay phải giám định mới xác định có thuộc diện phải khai báo, xin giấy phép nhập khẩu hay không”, đại diện DN này cho biết.

Hơn nữa, trong thời gian chờ đợi, hàng hoá phải lưu tại cảng (quy định không được đưa về kho bảo quản). Một số mặt hàng như mực in của công ty lưu giữa ngoài trời từ 15 ngày trở lên khiến mực khô cứng, không thể sử dụng. Ngoài ra một số mặt hàng như bình ắc quy chì, mực in, dung môi hữu cơ, dược phẩm, sơn, thuốc nhuộm… cùng cảnh ngộ với DN kinh doanh mực in này.

“Những nội dung này đã được hiệp hội, DN và Bộ KH&ĐT nhiều lần báo cáo, kiến nghị, nhưng chưa nhận được phản hồi và tiếp thu nào từ phía Bộ NN&PTNT”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Cắt giảm kiểu “đối phó”

Với nhiệm vụ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT cho biết, đến cuối tháng 12/2017, mới có 5 bộ ngành rà soát và đưa ra phương án cắt giảm sửa đổi gồm: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT… Tuy nhiên, quá trình cắt giảm còn nhiều hạn chế. Như Bộ NN&PTNT dự kiến bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD nhưng đến nay chưa có phương án sửa đổi cụ thể.

Tương tự, với chức năng được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử, Bộ TT-TT cũng chuẩn bị báo cáo chuyên đề theo quý về tình hình và kết quả cải thiện chỉ số này. Tuy nhiên, báo cáo của bộ này mới chủ yếu tổng hợp hoặc liệt kê số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.

“Một trong những vấn đề quan trọng là phân tích, đánh giá kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của chỉ số về Chính phủ điện tử thì Bộ TT&TT chưa làm được. Bộ này cũng chưa có đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

“Bộ ngành vẫn còn giữ lại ĐKKD không cần thiết hoặc quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Trong các ĐKKD sửa đổi, có điều kiện chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho DN”.

Đại diện Bộ KH&ĐT

MỚI - NÓNG