Cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn

TPO - Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng một lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.

Chiều 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực.

Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.

Về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít. Theo ban soạn thảo, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít. Đối với rượu, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã cấp được khoảng 167 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công… Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.

Theo Bộ Y tế, sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 – 3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Riêng chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ trên cơ sở 6 mục tiêu cụ thể với 3 nhóm chính sách của dự án luật, nhằm tập trung phạm vi điều chỉnh thông qua quy định về các biện pháp “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”.

Thường trực ủy ban cũng cho rằng, những lợi ích từ ngành công nghiệp rượu, bia đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Song cần nhìn tổng thể về những tác hại, mặt trái của việc sử dụng rượu, bia đang hiện hữu trong xã hội, đã được cảnh báo và khuyến cáo vì mục tiêu lâu dài về sức khỏe con người.

Chính vì vậy, cần thiết phải đưa ra quy định liên quan đến kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có, tính có sẵn và dễ tiếp cận của rượu, bia. Tuy nhiên, ủy ban thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến để quy định cụ thể và bảo đảm tính khả thi, đảm bảo chức năng quản lý nhà nước khi triển khai thực hiện các quy định.

Theo cơ quan thẩm tra, hiện quy định về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia đang còn hai loại ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết, nhằm làm giảm những tác động, ảnh hưởng của quảng cáo đến tiêu dùng rượu, bia, đặc biệt là giới trẻ, thực hiện “dự phòng” từ xa các tác hại của rượu bia.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng một lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.

MỚI - NÓNG