Cần 48 tỷ USD để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc

Cần 48 tỷ USD để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc
TP- Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải huy động 48 tỷ USD để xây dựng khoảng 6.000 km đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế phát triển và quản lý đường bộ cao tốc Việt Nam được tổ chức ngày 22/12, dưới sự bảo trợ của Bộ Giao thông & Vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Liên đoàn Đường bộ Quốc tế (IRF), Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam.

Phải xây dựng khoảng 6.000 km đường bộ cao tốc

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam hiện đang được Bộ Giao thông & Vận tải trình Chính phủ, Việt Nam cần phải xây dựng khoảng gần 6.000 km đường bộ cao tốc.

Trong đó, đường bộ cao tốc Bắc - Nam có 2 tuyến với chiều dài 3.520 km; hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc có 6 tuyến với tổng chiều dài 969 km; hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 3 tuyến với tổng chiều dài 264 km; hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam có 6 tuyến với chiều dài 814 km; hệ thống đường vành đai tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 3 tuyến với chiều dài 286 km.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải cho biết: Theo định hướng, đường cao tốc Bắc Nam được xây dựng 2 tuyến, trong đó tuyến phía Đông đi theo hướng của quốc lộ 1A hiện tại, chiều dài khoảng 2.200km; tuyến cao tốc phía Tây đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 1.320 km, bao gồm các đoạn: Phú Thọ - Phố Châu (Hà Tĩnh) dài 457 km và Ngọc Hồi (Kon Tum) - Chơn Thành (Bình Phước) - Rạch Giá (Kiên Giang) dài 865 km.

Riêng phạm vi từ Hà Tĩnh đến Tuý Loan (Đà Nẵng), do chiều rộng của đất nước hẹp trước mắt sẽ chỉ xây một trục dọc cao tốc Bắc Nam. Đường cao tốc phía Bắc sẽ được xây dựng 6 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 969 km gồm các tuyến: Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai dài 265km, Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái dài 295 km, Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 90 km, Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình dài 60 km, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 160 km.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên 3 tuyến với tổng chiều dài 265 km gồm các tuyến: Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh) dài 35 km; Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị) dài 70 km; Quy Nhơn (Bình Định) - PleiKu (Gia Lai) dài 160 km.

Ở phía Nam có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 835 km gồm các tuyến: Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu dài 76 km; Dầu Giây (Đồng Nai) - Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 209 km; TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một- Chơn Thành theo đường Hồ Chí Minh dài 69 km; TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) dài 55 km; Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 200 km; Hà Tiên- Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu dài 225 km.

Về hệ thống đường vành đai cao tốc khu vực TP Hà Nội dự kiến xây dựng đường vành đai 3, dài 78 km và vành đai 4 dài 125 km. Đối với khu vực TP Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng đường vành đai 3 dài 83 km.

Bộ Giao thông & Vận tải cho rằng, để xây dựng được hệ thống đường cao tốc nói trên, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 765.000 tỷ đồng (tương đương với 48 tỷ USD).

Trong đó, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải xây dựng khoảng 2.775 km với nhu cầu khoảng 430.000 tỷ đồng; sau năm 2020, sẽ xây khoảng 2.955 km với nhu cầu khoảng 335.000 tỷ đồng.

Tập trung huy động vốn từ nhiều nguồn

Ông Bùi Danh Lưu - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, để xây dựng được hệ thống đường bộ cao tốc nói trên, Việt Nam đang rất cần chia sẻ thông tin và trao đổi hợp tác về chính sách, các hình thức huy động vốn và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ Giap thông & Vận tải cũng xác định rằng, việc huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc sẽ phải kết hợp từ nhiều nguồn. Trong đó, vốn ngân sách phải đóng vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh phương thức hợp tác Nhà nước - tư nhân để giảm bớt gánh nặng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ Giao thông & Vận tải, trên cơ sở phân tích tổng hợp sơ bộ, ước tính khoảng 30% vốn kỳ vọng huy động từ nguồn ODA; khoảng 40% vốn có thể huy động từ nguồn đầu tư theo phương thức BOT; khoảng 5% vốn thu hút thông qua phát hành trái phiếu công trình; khoảng 5% vốn có thể huy động từ nguồn vay OCR (nguồn vốn thương mại), còn lại 20% là nguồn vốn từ ngân sách trong nước.

Theo ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nên khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng bằng các phương thức thích hợp như: BOT, BT để xây dựng đường bộ cao tốc.

Còn theo ông Trần Xuân Sanh - Tổng giám đốc Cty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thì, vì đường cao tốc là một hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao, vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự hỗ trợ này có thể bằng tiền từ ngân sách, bằng bảo lãnh, bằng các ưu đãi về đất đai, thuế và các cơ chế, chính sách ưu đãi khác. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.