Cần chấm dứt bảo lãnh vay cho các tập đoàn nhà nước

Cần chấm dứt bảo lãnh vay cho các tập đoàn nhà nước
TP - Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ phải hạn chế tối đa việc bảo lãnh hoặc đi vay để cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại.
TS Trần Du Lịch. Ảnh: Hồng Vĩnh
TS Trần Du Lịch. Ảnh: Hồng Vĩnh .

Ủy ban Tài chính- Ngân sách lo ngại về tỷ lệ bội chi ngân sách và dư nợ Chính phủ, tuy nhiên vấn đề này lại khá mờ nhạt trong báo cáo của Chính phủ và chưa có một cảnh báo rõ ràng, thưa ông?

Dư nợ Chính phủ hiện dưới mức báo động. Những nước đang phát triển như chúng ta, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất lớn nên phải đi vay. Vấn đề là xem việc sử dụng nguồn vốn như thế nào.

Điều tôi lo ngại là trong bối cảnh phải đi vay như vậy thì chúng ta lại đang đầu tư hiệu quả chưa cao, một số ý kiến còn cho rằng kém hiệu quả. Nguyên nhân thứ nhất là đầu tư dàn trải, thứ hai là thiếu tính đồng bộ, không phát huy hiệu quả chung. Ngoài ra, cách phân bố đầu tư của ta theo ngành, địa phương càng dẫn đến dàn trải.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nếu tính cả các khoản Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay thì nợ Chính phủ còn có thể cao hơn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chính phủ phải hạn chế tối đa việc bảo lãnh hoặc đi vay để cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại. Các doanh nghiệp, dù là thành phần kinh tế nào cũng phải tự phát hành trái phiếu ra thị trường, để thị trường đánh giá hiệu quả dự án.

Doanh nghiệp tự phát hành được trái phiếu thì đồng nghĩa thị trường đánh giá doanh nghiệp, tập đoàn đó có khả năng trả nợ. Còn nếu Chính phủ bảo lãnh, hoặc đi vay để cho vay lại tức là chính Chính phủ lại đi đánh giá thay cho thị trường. Đây là điều rất không nên.

Ông cho rằng không nên bảo lãnh vay cho các tập đoàn, vậy ông suy nghĩ gì về khoản bảo lãnh cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), hiện nay Quốc hội cũng không biết họ sử dụng khoản vay đó như thế nào?

Theo phân cấp hiện nay, quản lý các Tập đoàn là Chính phủ chứ không phải Quốc hội. Quốc hội cũng đã giám sát việc sử dụng vốn, đầu tư tại các tập đoàn, tổng Cty nhà nước và đã cảnh báo một số việc để Chính phủ chấn chỉnh.

Ông từng đề xuất điều lệ hoạt động mỗi tập đoàn phải là một đạo luật, còn ở ta, khi lên tập đoàn thì điều lệ lại chỉ là một quyết định của Thủ tướng?

Trong tương lai, khi sắp xếp lại doanh nghiệp, hình thành những tập đoàn lớn, thì điều lệ hoạt động phải là một đạo luật. Ví như Tập đoàn Petronas của Malaysia, có hẳn một đạo luật điều chỉnh. Hay như một tập đoàn viễn thông của Úc, khi cổ phần hóa, bán cổ phần ra bao nhiêu là Quốc hội quyết định.

Như vậy, Quốc hội sẽ thuận lợi trong việc giám sát hoạt động của những tập đoàn này. Còn chúng ta lại đang đi thụt lùi. Khi còn là tổng Cty 91 thì điều lệ hoạt động của tổng Cty là nghị định, chuyển lên tập đoàn thì điều lệ lại chỉ là một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề cần xem xét lại

Nợ Chính phủ chưa đáng lo ngại

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: "Hiện nay, Việt Nam không có khoản nợ nào quá hạn cả. Còn dư nợ Chính phủ tăng có rất nhiều lý do. 2009 là năm rất đặc biệt, do đó Việt Nam và nhiều nước khác phải dùng những giải pháp tình thế, nhưng quan trọng là chúng ta đã chủ động trong điều hành, trả được nợ, nên không có vấn đề gì đáng lo ngại. Chính phủ đã lựa chọn giới hạn an toàn nợ là 50% GDP, cũng tùy tiềm năng kinh tế mà có nước chọn mức cao hơn. Gốc vấn đề là phải trả được nợ, vay ít mà không trả được thì vẫn vỡ nợ như thường, chứ không phải vay ít là không nguy hiểm đâu”.

Hà Nhân thực hiện

MỚI - NÓNG