Cần đầu tư chiến lược lâu dài cho các ngành kinh tế trọng điểm

Cần đầu tư chiến lược lâu dài cho các ngành kinh tế trọng điểm
TP - Sau hơn hai năm triển khai đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy trình độ công nghệ tại các ngành kinh tế trọng điểm ở Quảng Ninh còn thiếu và yếu.
Cần đầu tư chiến lược lâu dài cho các ngành kinh tế trọng điểm ảnh 1
Cảng tàu khách Hòn Gai đang được Vinashin đầu tư 645 tỷ đồng nâng cấp thành cảng tàu khách quốc tế hiện đại - Ảnh: Nguyễn Đán

Đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai từ năm 2005 đến nay tại 100 doanh nghiệp thuộc 10 ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh gồm: cảng biển và du lịch; cơ khí; đóng tàu; khai thác, chế biến than; sản xuất điện; chế biến thực phẩm; sành, sứ, thủy tinh; vật liệu xây dựng; chế biến nuôi trồng thủy sản.

Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên gia chuyên ngành, các nhà quản lý, sản xuất thuộc các lĩnh vực kinh tế thực hiện...

Cụ thể, kết quả đánh giá về trình độ công nghệ của ngành đóng tàu biển ở Quảng Ninh trong thời gian qua đã có những nỗ lực vượt bậc về cải tiến cơ sở vật chất, về con người, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.

Tuy nhiên, trên thực tế trình độ công nghệ của ngành này chưa mang tính chuyên nghiệp; tỷ lệ lao động thủ công còn cao. Đối với ngành than, các nhà khoa học đánh giá theo 4 thành phần công nghệ (con người, kỹ thuật, thông tin và tổ chức) tuy khá đồng bộ, nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình và lạc hậu; tỷ lệ lao động thủ công còn lớn, năng suất thấp, lợi nhuận ít.

So với công nghệ tiên tiến của thế giới hiện nay thì ngành than tụt hậu từ 30 - 50 năm, đặc biệt là tại các đơn vị khai thác lộ thiên và chế biến than.

Hệ số đóng góp công nghệ trong quá trình sản xuất đều dưới 50%; các doanh nghiệp khai thác hầm lò chỉ đạt từ 36 - 39%; chỉ số đổi mới trang thiết bị ở các doanh nghiệp lộ thiên chỉ bằng 76% so với hầm lò.

Hàm lượng công nghệ trong giá trị sản phẩm đạt loại thấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp đã có những bước tiến đáng kể nhưng chưa toàn diện, thiếu các chuyên gia và các phần mềm chuyên dụng.

Mô hình sản xuất, tổ chức quản lý ở các doanh nghiệp vẫn còn bất cập, khả năng thích ứng công nghệ chưa cao, thiếu tính chiến lược.

Qua điều tra sâu ở 4 doanh nghiệp với các sản phẩm cơ khí tiêu biểu như: chế tạo răng gầu máy xúc EKT-4,6; giá chuyển hướng và thùng xe của toa xe 30T, cột chống thủy lực; máng cào MC-80; lắp ráp xe ô tô tải, xe KAMAZ..., kết quả đánh giá bước đầu về trình độ công nghệ của ngành cơ khí này cũng chỉ ở mức trung bình tiên tiến, công nghệ đầu tư chưa đồng bộ, nhất là ở sản phẩm lắp ráp xe ô tô tải.

Đối với nhóm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng có hàm lượng công nghệ trung bình dưới 50%. Khoảng một nửa số doanh nghiệp được đánh giá sâu vẫn đang sử dụng các dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, chủ yếu điều khiển thủ công.

Một số doanh nghiệp mới, có thương hiệu, uy tín trên thương trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp này cũng chỉ được đầu tư dây chuyền thiết bị tự động hóa tiên tiến, chuyên dùng, song chưa có điều khiển giám sát trung tâm.

Ngành có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu nhất là ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản. Đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ từ nuôi trồng đến chế biến thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương và còn nhiều lao động thủ công.

Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành này chưa thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng HACCP, dẫn đến lượng hàng hóa xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật... manh mún, hiệu quả chưa cao.

Từ thực tế nghiên cứu đề án “Điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những phương án đầu tư mang tính chiến lược lâu dài và bền vững như:

Đối với ngành đóng tàu biển, các doanh nghiệp sớm đầu tư đồng bộ về con người, thiết bị, công nghệ tiên tiến chế tạo vỏ tàu; thiết bị tổ lắp; kiểm định từng phần đến toàn bộ bên trong vỏ tàu và các công đoạn khác.

Đối với nhóm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp tập trung đầu tư thêm hệ thống xử lý bụi, khí hóa than; cải tạo hệ thống đốt để chuyển đổi nhiên liệu; chú trọng cơ giới hóa khâu vận chuyển, xếp dỡ trong các công đoạn sản xuất.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải có định hướng đồng bộ và dài hơi về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tác nghiệp và hỗ trợ thương mại.

Ngành than tiếp tục đổi mới công nghệ và hiện đại hóa, tự động hóa các dây chuyền khai thác, nhất là việc khai thác than ngay trong vùng du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, lịch sử.

Trong khai thác lộ thiên, sớm áp dụng các sơ đồ công nghệ hợp lý để nâng cao năng suất khai thác vỉa mỏng đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm xử lý nước thải mỏ thành nước công nghiệp.

Trong công nghệ sàng tuyển, chế biến than, xử lý bùn nước bằng công nghệ xoắn lốc phân cấp, lọc ép hoặc lọc chân không than bùn, thu hồi nước tuần hoàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Tuy nhiên, làm thế nào để sớm nâng cao trình độ công nghệ của các ngành kinh tế trọng điểm ở Quảng Ninh theo hướng bền vững trong lộ trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu vẫn đang là bài toán khó chưa tìm ra lời giải...

MỚI - NÓNG