Cần giải ma trận chính sách cho doanh nghiệp

Nhiều DN kêu trời khi Hải Phòng thu thêm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng. Ảnh: Sỹ Lực.
Nhiều DN kêu trời khi Hải Phòng thu thêm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Có ý kiến cho rằng, chính sách của Việt Nam như ma trận, bất cứ đơn vị nào cũng có thể đặt ra khiến doanh nghiệp không biết đằng nào mà lần. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ, ngành cần cải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng như đại lộ thì doanh nghiệp mới chạy được.

1 mặt hàng 3 giấy phép

Ngày 10/3, tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nói: “DN ngại cơ quan quản lý nhà nước vì vậy đa số kiến nghị đều gửi thông qua hiệp hội ngành hàng. Cùng một sản phẩm, DN phải mất nhiều thời gian để đáp ứng hết tất cả các quy định do các Bộ, ngành đưa ra”.

Ông Trung nêu ví dụ về sự chồng chéo quản lý tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm của 3 Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Sản phẩm mật ong, đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Nhưng khi đăng ký quảng cáo, lại phải qua Bộ NN&PTNT và Bộ NN&PTNT yêu cầu nhà sản xuất đó phải có tên trong danh sách của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Hay với hàng thịt muối, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu nhà sản xuất phải đăng ký danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam đồng thời lại phải cần công bố khi lưu thông hàng hóa.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp  hội Dệt may Việt Nam, cho rằng nỗi lo lớn nhất của DN là sự biến động bất thường của chính sách. “DN sợ nhất luôn có chính sách mới khiến DN không tiên lượng được. Từ đó, DN không biết đàm phán, chuẩn bị thị trường, khách hàng như thế nào”, ông Trường nói.

“Trước đây, môi trường kinh doanh của chúng ta quá kém, nên giờ cải thiện. Chúng ta rất mừng, phấn khởi, nhưng đừng quên rằng chúng ta vẫn còn rất kém… Chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải thay đổi, phải tiến bộ”. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hơn nữa, dù thuế được quy định rõ ràng nhưng có quá nhiều cấp quản lý nhà nước có thể “đẻ” ra các loại phí. Thậm chí có cả phí do cấp xã, huyện quy định. “Chính sách của nhà nước như con đường. Con đường tốt, thông thoáng, ít điểm dừng đỗ, kiểm tra thì DN mới “chạy” nhanh, chạy an toàn được. Chính sách hiện nay khiến DN phải mất chi phí cho từng điểm kiểm tra mới qua được. Nếu không có sự điều chỉnh, DN sẽ nằm trong ma trận không biết làm như thế nào”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, DN mong muốn có môi trường kinh doanh thông thoáng như đại lộ. Nhưng hiện nay có quá nhiều tiểu lộ khiến DN phải chấp nhận, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của quốc gia.

Môi trường kinh doanh còn rất kém

Là người đã 3 năm theo dõi  kết quả của việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, thay đổi dù rất nhỏ của bộ ngành cũng mang lại hiệu quả xã hội lớn. Như việc ban hành Thông tư 23/2016 (ngày 12/10/2016) bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng vạn ngày công cho các DN dệt may. Việc bãi bỏ thủ tục Xác nhận khai báo hóa chất (QĐ 4846/QĐ-BCT ngày 9/12/2016) giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai/năm).

Tuy nhiên, công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn còn thụ động, trì trệ; rất ít đổi mới, sáng tạo. Trong các khảo sát, câu trả lời thường nghe nhất của cán bộ quản lý nhà nước về một vấn đề cụ thể, vướng mắc của DN luôn là “chúng tôi làm đúng theo quy định”. Cán bộ quản lý ít quan tâm đến các vấn đề, khó khăn đối với DN do chính các  quy định, văn bản cụ thể tạo ra.

Theo người đứng đầu CIEM, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn cao (khoảng 30-35% ) là món nợ lớn của cơ quan nhà nước đối với DN. “Để đạt được mục tiêu của NQ 19/2017, bộ ngành phải cố gắng theo số nhân, cấp luỹ thừa mới thành công, chứ tính theo phép cộng theo ngón tay thì không thành công. Nếu mỗi thay đổi nho nhỏ cần đến nỗ lực mệt mỏi của nhiều bộ ngành, trong nhiều năm thì chúng ta rất khó cải cách”, ông Cung đánh giá.

Trước những vướng mắc của DN nêu ra tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nguyên tắc của Nghị quyết 19 lần này phải đo đếm, giám sát được kết quả thực hiện. Đề cập đến vấn đề “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, Phó Thủ tướng nhận xét, Bộ nào cũng nói “nếu không ban hành thì không quản lý được” nhưng cần nhìn rộng ra thế giới để thấy phải từ bỏ những “lợi ích cục bộ”. Trong nhiều cuộc họp về xây dựng chính sách, đại diện cơ quan nào cũng “cơ bản đồng tình” với những vấn đề chung, nhưng chỉ riêng vấn đề liên quan đến cơ quan mình là không ủng hộ. Có 10 vấn đề mà mỗi bộ không đồng tình 1 vấn đề liên quan đến bộ, ngành mình thì cuối cùng chính sách không thành.

MỚI - NÓNG