Cần giải pháp mạnh về tín dụng

Cần giải pháp mạnh về tín dụng
TP - Hôm qua, Chính phủ họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Yêu cầu đặt ra trong năm 2014 là đẩy nhanh giải ngân các dự án đã bố trí được vốn. Một số địa phương đề nghị có giải pháp mạnh về tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế.

Đẩy nhanh dự án trọng điểm

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Trong số ba đột phá chiến lược, tập trung vốn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng được xem là trọng điểm. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay thương mại ưu đãi. Tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; lựa chọn một số dự án thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

 “Chính phủ đã trình Quốc hội được phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để tăng vốn đối ứng cho ODA, nên có tiền rồi, còn thủ tục liên quan tới giải ngân ODA nhanh hay chậm nằm trong tay các bộ, ngành, địa phương. Phải có giải pháp quyết liệt trong năm 2014 để tiêu được tiền, tiền đã có rồi, sẵn sàng rồi mà không tiêu được thì rất lãng phí!” 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Về vốn ngân sách Nhà nước được Quốc hội phê chuẩn, mức năm 2014 thấp hơn năm 2013, theo Chính phủ phải tập trung vốn vào các dự án sắp hoàn thành, hạn chế khởi công mới. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ, ngoài kế hoạch 2011-2015 Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ, đặc biệt vốn cho Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14).

“Vốn đã sẵn sàng, thực tế đã ứng cho năm 2013 để giải phóng mặt bằng, các bộ, ngành, địa phương cần giải phóng mặt bằng kịp thời, không để yếu tố giải phóng mặt bằng, thủ tục ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Vốn đã có rồi, không để vốn phải chờ”- Phó Thủ tướng Vũ Văn
Ninh nói.

Về nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng cho rằng, phải được giải ngân kịp thời, trong đó ngân sách phải bố trí vốn đối ứng.

Kích tiêu dùng, bất động sản cần giảm giá nữa

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. “Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, tăng sức mua, cân đối được cung cầu, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt phải có giải pháp mạnh tín dụng mới tan băng được bất động sản”- ông Thảo nói và cho rằng, giải pháp tín dụng chính là giải cứu các ngân hàng đang đọng vốn trong bất động sản chứ không đơn thuần là giải cứu thị trường.

Theo ông Thảo, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản phải chấp nhận quy luật của thị trường. Khi thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu... “Tôi hơi thấy lạ trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả. Việc giảm giá chỉ thấy dừng lại ở trong các báo cáo”, ông Thảo nói. Ngoài ra, cũng cần xem xét kích cầu tiêu dùng và đầu tư công, tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Thảo cho rằng, cần đổi mới thể chế bởi hiện nay có những công việc song trùng, ôm đồm giữa các địa phương và bộ, ngành tuy nhiên trách nhiệm lại không rõ ràng. “Trong điều hành chủ trương có thể rất đúng đắn, nhưng rất nhiều cơ chế chính sách không đi vào cuộc sống vì không phù hợp với thực tế. Nếu không tin ở cơ sở, không tin ở dưới rất khó làm”, ông Thảo bày tỏ.

Nâng cao chất lượng công chức

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến dành phần lớn thời gian 10 phút phát biểu tại hội nghị để nói về chất lượng công chức. Theo ông Chiến phải đánh giá lại có bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức làm được việc, bao nhiêu không làm được việc.

“Tôi nghĩ chỉ 20- 30% công chức làm được việc”- Ông Chiến nói và cho biết thêm, năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tổ chức thi tuyển công chức rất khách quan, minh bạch với tuyên bố rõ ràng là “không cán bộ nào được gửi con cái”.

Kết quả trong số 419 thí sinh sau phần thi buổi sáng có tới 70 thí sinh bỏ thi. Cuối cùng, chỉ có 129 thí sinh trúng tuyển với số điểm trên trung bình 50 điểm. Xét về tỷ lệ thì chỉ có 28,6% thí sinh vượt qua được vòng thi tuyển, tỷ lệ trượt là 71,4%.

“Rõ ràng, khi tổ chức tuyển cán bộ được thực hiện nghiêm, thì kết quả phản ánh đúng thực tế chất lượng cán bộ như thế nào. Chứ mấy năm trước Thanh Hóa không theo sát khâu thi tuyển đầu vào nên chất lượng thi tuyển không cao, thí sinh cứ thi là đỗ”, ông Chiến nói. Do vậy, phải quyết tâm siết lại khâu tuyển chọn cán bộ. “Chúng tôi kiên quyết không nhận những trường hợp gửi gắm để thi công chức là thực chất chứ không phải lấy thành tích”, ông Chiến khẳng định.

Về tình trạng nông dân bỏ ruộng, ông Chiến cho rằng, cái gốc của vấn đề là hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thấp. “Tương lai khả năng nông dân còn bỏ tiếp nếu vấn đề này không được xử lý”- Ông Chiến nhận định.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014:

Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG