Biến tướng điều kiện kinh doanh của Thông tư 20:

Cần giảm độc quyền của các hãng lớn

Một doanh nghiệp trưng bày xe hơi tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Như Ý
Một doanh nghiệp trưng bày xe hơi tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Như Ý
TP - Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và các chuyên gia, luật sư cho rằng, để thị trường ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu không bị các hãng lớn thao túng, cần bãi bỏ hoàn toàn các điều kiện như đề xuất của Bộ Công Thương gửi Chính phủ mới đây. Trong đó, cần để DN tự do nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh, giảm độc quyền của các hãng lớn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Cty Thiên An Phúc cho rằng, những quan điểm của Bộ Công Thương liên quan đến Thông tư 20 được nhiều DN nhập khẩu ô tô có ý kiến trong thời gian qua. Vấn đề mà chính các DN thấy khó hiểu là việc vì cớ gì mà Bộ Công Thương cứ yêu cầu phải chính hãng? “Ở các nước cũng cho phép nhập khẩu song song sao riêng Việt Nam chỉ cho nhập chính hãng? Đến nay đã có trường hợp nào được báo chí phản ánh về việc người mua xe từ các DN như chúng tôi không được bảo hành?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

“Giá ô tô quá cao làm thiệt hại đến người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến DN vận tải và cả nền kinh tế. Pháp luật của một quốc gia không thể thể chế hoá chính sách thị trường hay sự độc quyền của các hãng lớn mà ngược lại cần điều tiết chặt hơn”.

Ông Đậu Anh Tuấn, 

Trưởng ban Pháp chế VCCI

Bình luận việc Bộ Công Thương khẳng định sẽ bỏ Thông tư 20 nhưng cần đợi Bộ GTVT xây dựng quy định mới có tác dụng tương đương (Thông tư 20) tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty luật Basico cho rằng: Thay vì xóa bỏ các quy định vô lý để không cản trở quyền tự do kinh doanh của các DN, tại 

báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương còn đề xuất thêm những quy định tạo nguy cơ đẩy các DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe hơi tư nhân tới khả năng phải đóng cửa.

Theo luật sư Đức, với đề xuất này, Bộ Công Thương đã vượt quá quyền hạn và phạm vi trách nhiệm của mình khi đòi hỏi đề xuất các điều kiện này. “Tại sao Bộ Công Thương lại đi lo hộ việc bảo hành bảo dưỡng, vốn là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm?”, luật sư Đức đặt câu hỏi và cho rằng, quy định về bảo hành bảo dưỡng chính hãng lặp lại đúng “vết xe cũ” trong Thông tư 20 là áp đặt, can thiệp nhà nước làm méo mó các yếu tố thị trường và quyền lựa chọn của người tiêu dùng. 

“Người tiêu dùng và thị trường có quyền lựa chọn và quyết định dịch vụ của DN nào đáp ứng yêu cầu của họ, không phải là cơ quan nhà nước áp đặt bằng các quy định. Thay vì tiếp tục đặt ra các điều kiện phân biệt đối xử như hiện nay, Bộ Công Thương cần tập trung tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN”, luật sư Đức nhấn mạnh.

“Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc bãi bỏ Thông tư 20 đã được nêu ra thời gian qua trên nhiều diễn đàn. Thậm chí có ý kiến đặt thẳng vấn đề, liệu Bộ Công Thương nói vì người tiêu dùng, nhưng thời gian qua, bộ này đã bao nhiêu lần nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về việc không được bảo hành sản phẩm chính hãng? 

Ngoài ra, với lý do bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, vậy sao lại chỉ quy định với xe dưới 9 chỗ trong khi các xe 16 chỗ, 24 chỗ, 45 chỗ cũng tham gia gia thông, vận chuyển hành khách lại không bị áp dụng. Vì vậy nghi ngờ của người dân về việc có lợi ích nhóm cũng là điều dễ hiểu”, anh Lê Huy Phong (chủ một DN cho thuê xe ở Hà Nội) nêu ý kiến.

Nên khuyến khích nhập khẩu song song

Sau khi Bộ Công Thương có ý kiến nêu trên, dù đã liên lạc nhiều lần nhưng lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm đều không muốn có ý kiến trước khi Chính phủ chính thức giao việc.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, một chuyên gia về cơ khí ô tô cho rằng: Việc Bộ Công Thương “buông” Thông tư 20 là đáng mừng; việc chuyển vấn đề sang Bộ GTVT cũng sẽ là vấn đề lo ngại nếu vẫn có những vấn đề liên quan đến độc quyền. “Bảo hành, bảo dưỡng xe nhập khẩu là việc của các hãng sản xuất xe; họ giao cho ai là quyền của họ. Để cho DN tự lo trước được không, hay nhà nước cứ mãi ôm hết việc của DN? Thực tế, Bộ GTVT đã thực hiện kiểm soát an toàn kỹ thuật xe ngay từ khâu nhập khẩu và giám sát thường xuyên qua các kỳ kiểm định. Phải chăng như thế là chưa đủ ?” – ông Thanh đặt vấn đề. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam kiến nghị: “Chúng tôi mong Bộ GTVT đặt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng là trên hết; không nên tạo ra cơ chế độc quyền, xin cho, xét duyệt trong quản lý. Người tiêu dùng cần nhất là quyền tự do lựa chọn, quyết định và Nhà nước cần tạo ra sân chơi chung rộng rãi và các khuyến cáo chính xác để họ thực hiện quyền đó”.           

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, bảo vệ người tiêu dùng quan trọng nhất là đảm bảo cạnh tranh. Việt Nam nên khuyến khích nhập khẩu song song đối với mặt hàng ô tô để giảm độc quyền của các hãng lớn và giảm giá thành.

Cũng theo ông Tuấn, về tiêu chuẩn bảo hành, hiện Việt Nam đã có tương đối đủ chính sách, quy định để bảo vệ người tiêu dùng kể cả quy định về triệu hồi xe. Nên tăng cường vai trò và hiệu quả của hệ thống đăng kiểm nhà nước hiện có chứ không phải dùng hệ thống bảo hành của hãng để thay thế việc kiểm soát này được.

MỚI - NÓNG