Cần giảm giá hàng bình ổn

Giá trứng gia cầm tại các chợ đã giảm mạnh trong khi ở các siêu thị giá trứng, đặc biệt là hàng bình ổn vẫn giữ nguyên mức cũ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Giá trứng gia cầm tại các chợ đã giảm mạnh trong khi ở các siêu thị giá trứng, đặc biệt là hàng bình ổn vẫn giữ nguyên mức cũ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Từ sau Tết Nguyên đán giá hàng loạt mặt hàng thực phẩm, đáng kể nhất là trứng gia cầm và thịt heo đã giảm rất mạnh. Thế nhưng giá các mặt hàng này trong chương trình bình ổn vẫn đứng im.

> Giá sữa tăng bất thường
> Nhiều hàng hóa, dịch vụ Tết tăng giá mạnh

Từ trại chăn nuôi đến chợ đều giảm

Ông Bảy Đoàn, chủ trại gà đẻ ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, cho biết vài tuần trở lại đây, giá trứng gà giảm thê thảm. Hiện trại của ông bán trứng loại lớn cho một công ty tại TP.HCM với giá chỉ 1.330 đồng/quả, trong khi giá thành vào khoảng 1.500 đồng/quả.

Nhiều người chăn nuôi ở khu vực Tiền Giang, Long An cũng cho hay, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá trứng gà giảm liên tục. Người chăn nuôi đang bị lỗ ít nhất 250 - 350 đồng/quả.

Hiện giá trứng mà các đại lý, doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM mua của các trại chăn nuôi dao động từ 1.100 - 1.550 đồng/quả, giảm 400 - 500 đồng so với trước tết.

Không chỉ có trứng gà, hiện giá trứng vịt cũng giảm 500 - 600 đồng/quả, còn 2.100 - 2.200 đồng/quả. Tại các chợ bán lẻ ở TP.HCM, giá trứng gà, trứng vịt cũng giảm khá mạnh. Chẳng hạn, giá trứng gà dao động từ 1.800 - 2.200, trứng vịt 2.600 - 2.800 đồng/quả, mức giảm chung từ 500 - 700 đồng.

Ngoài mặt hàng trứng gia cầm, giá heo hơi cũng đang giảm. Heo hơi chủ trại ở các tỉnh miền Đông Nam bộ bán ra chỉ còn 34.000 - 37.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 6.000 đồng so với trước tết. Khảo sát giá heo hơi tại các tỉnh miền Đông đến những ngày đầu tháng 3.2013, giá đã giảm 6.000 - 8.000 đồng/kg so với trước tết.

Các chủ trại heo cho biết tuy giá giảm xuống dưới giá thành nhưng vẫn không bán được do nguồn heo còn quá nhiều trong dân. Ông Trần Văn Hạt, Giám đốc kinh doanh Công ty chăn nuôi C.P, ước lượng có đến vài trăm ngàn con heo trọng lượng trên 100 kg/con còn tồn ứ trong các trại chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, bức xúc: "Đã hơn 1 tuần nay giá heo hơi các trại trên địa bàn tỉnh này rớt xuống còn 34.000 - 37.000 đồng/kg nhưng bán vẫn không được. Trước tết, giá heo hơi còn ở mức 42.000 - 43.000 đồng/kg.

Từ sau tết lập tức xuống dưới mức 40.000 đồng/kg và cũng chưa chịu dừng. Nhà nước cần coi lại khâu trung gian phân phối, xem tại sao giá thịt heo bán lẻ trên thị trường lại không giảm?”.

Ông Công đặt vấn đề: “Giá thịt heo hiện nay dưới giá thành chăn nuôi thì sao lại phải bình ổn giá? Cơ quan quản lý chỉ bình ổn đầu ra, còn thả nổi đầu vào. Trong khi giá nguyên liệu, thuốc thú y… liên tục tăng mà giá thu mua heo hơi giảm là ép người chăn nuôi”.

Neo giá bán lẻ

Trong lúc người chăn nuôi và thương lái bán sỉ méo mặt thì tiểu thương bán lẻ vẫn neo giá quá cao. Tại các siêu thị, cửa hàng, giá trứng gia cầm, đặc biệt là hàng bình ổn vẫn giữ nguyên mức cũ.

Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, trứng gà bình ổn Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt vẫn giữ mức 2.350 đồng/quả; trứng vịt là 3.050 đồng/quả như thời điểm trước tết. Giá thịt ba rọi bình ổn 86.000 đồng/kg, thịt đùi 77.000 đồng/kg… Giá thịt heo bình ổn của Vissan vẫn giữ mức trước tết từ 70.000 - 86.000 đồng/kg.

Giá heo hơi mà người nông dân bán ra đang ở mức rẻ bèo nhưng khi ra chợ, người tiêu dùng lại phải mua với giá cao ngất ngưởng. Điều đáng nói là sự bất hợp lý này lại diễn ra vào thời điểm nguồn cung heo dư thừa, tồn đầy ứ tại các trang trại, thậm chí ở cả chợ đầu mối…

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, phân trần: “Thời gian qua tôi cố gắng kìm giữ giá thu mua trứng, gần đây có giảm 2 lần với mức giảm tổng cộng 100 đồng/trứng so với trước tết. Nếu giảm nhiều hơn nữa nông dân sẽ bỏ đàn, nghỉ chăn nuôi. Giá thu mua trên thị trường giảm là do hàng tồn kho, hàng cũ của các DN lớn còn rất nhiều, các DN này đã hạ giá bán để giải phóng hàng. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, giá trứng nguyên liệu sẽ tăng trở lại”.

Từ đó, ông Thiện cho rằng: “Nếu chỉ vì vậy mà điều chỉnh giảm giá bình ổn thì khi giá thu mua tăng trở lại làm sao tăng giá bình ổn? Cái cần làm là kéo giá thu mua ở trại tăng lên. Ngược lại, nếu giảm giá trứng gia cầm bình ổn thị trường là giết ngành chăn nuôi”.

Về mặt hàng thịt heo, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, lý giải: “Giá heo hơi hiện nay đã giảm trung bình 3.000 - 4.000 đồng/kg so với trong tết nhưng Vissan chưa giảm giá bán lẻ là vì công ty phải mua heo chất lượng từ các trang trại chăn nuôi công nghiệp, giá cao hơn thị trường.

Ngoài ra, thời gian này Vissan vẫn đang áp dụng giá bình ổn tết, thấp hơn so với thị trường bên ngoài nên công ty không điều chỉnh giá nữa. Với giá heo hơi 36.000 - 38.000 đồng/kg, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 80.000 - 90.000 đồng/kg là hợp lý.

Giá heo hơi công nghiệp chúng tôi mua ổn định như vậy, không tăng nhanh cũng không giảm nhanh như thị trường. Hiện nay giá chênh lệch nhỏ, mức giảm giá chưa đủ điều kiện để điều chỉnh giảm giá bình ổn thị trường”.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu được triển khai nhiều năm nay đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua suy giảm, giá bán tại trại giảm mạnh nhưng các DN bình ổn lại chậm điều chỉnh rõ ràng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho cả người chăn nuôi, làm mất hiệu quả của chương trình.

Theo quy định, nếu giá nguyên liệu tăng từ 10% trở lên sẽ điều chỉnh tăng giá hàng bình ổn cho DN. Nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì lại bỏ trống, chỉ quy định nếu giá thị trường giảm xuống 5% thì mới giảm giá hàng bình ổn.

Đây chính là bất cập tạo ra cần được khắc phục để cho công bằng hơn. Điển hình như với mặt hàng thịt heo, trong điều kiện chợ ế, lượng bán giảm, tiểu thương các chợ chọn cách neo giá cao để bù đắp lượng bán ra giảm.

Nếu các DN bình ổn dựa vào mức giá này để cho rằng do giá hàng bình ổn vẫn thấp hơn giá thị trường thì hoàn toàn không hợp lý, thậm chí còn làm mất ý nghĩa tích cực của chương trình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá đầu ra đầu vào cần linh hoạt, cơ quan quản lý cần sâu sát hơn để theo kịp với diễn biến thị trường. Việc giảm giá thịt, trứng thuộc chương trình bình ổn trong lúc này cũng là một cách để kích thích tiêu thụ, giải tỏa hàng tồn, từ đó gỡ khó cho người chăn nuôi.

Chờ đến cuối tháng

Tổng giám đốc Công ty Vissan nói thẳng: “Sở Công thương cũng hỏi chúng tôi giá heo hơi đã sụt giảm như vậy, có cần giảm giá hàng bình ổn thị trường hay không? Chúng tôi đã trình bày, là nếu có thể chỉ giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg, trong khi chương trình khuyến mãi chúng tôi đã đăng ký và công bố từ đầu tháng 3-2013, giảm 5.000 đồng/kg. Như vậy, xét với giá điều chỉnh trong chương trình bình ổn thì giá khuyến mãi cao hơn nhiều. Vì thế, tôi nghĩ chờ đến cuối tháng này khi hết chương trình khuyến mãi, lúc đó giá thịt heo Vissan khôi phục về đúng giá bình ổn thị trường thì họ xem xét giảm là đúng, lúc đó chúng tôi sẽ giảm ngay”.

Theo Quang Thuần - Hoàng Việt
thanhnien.com.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG