Cần một văn hoá chợ

Cần một văn hóa chợ. Ảnh minh họa: Chợ đêm Đồng Xuân
Cần một văn hóa chợ. Ảnh minh họa: Chợ đêm Đồng Xuân
TP - “Nhất cận thị, nhị cận giang”- Gần chợ, gần bến sông từ xưa được nhắc đến như những nơi thuận tiện buôn bán, đi lại. Lý lẽ ấy, đến giờ vẫn “chuẩn” khi mỗi mét vuông đất chợ vẫn có giá lên tới cả chục cây vàng.

Cùng trò chuyện với ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, một người tự nhận vốn rất mê đi chợ.

Chợ đã phôi pha nhiều

Trong con mắt của người từng làm thương nghiệp, ông nghĩ về chợ ở Việt Nam thế nào?

Hiện nay cả nước có tới 8.528 chợ. Nhìn chung, mỗi vùng đất có một chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị. Chợ Ðồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Hàn ở Ðà Nẵng, chợ Buôn Mê ở Tây Nguyên; chợ Sa Pa ở Tây Bắc; chợ Ðầm ở Nha Trang; chợ Ðông Ba ở Huế... cứ thế “kẻ tám lạng người nửa cân”, không đi, không đến, không bao giờ hiểu được. Vì nhiều lẽ, nói chung chợ Việt Nam có sức lôi cuốn, hấp dẫn một cách đặc biệt.

Chợ là nơi giao lưu, không chỉ là mua bán. Dắt nhau đi còn hỏi thăm, hỏi han. Nó vui lắm; bây giờ mua xong là về. Ngày xưa tin nhau lắm; dứt khoát mua cau đến bà này, mua thịt bà này... đều có địa chỉ tin cậy cả. Bây giờ phức tạp quá, cả bà bán hàng ngày xưa mình tin tưởng nhất nay không tin tưởng được vì bà bán hàng theo cơ chế thị trường.

Gắn bó từ rất lâu với thương mại và chợ, ông có suy nghĩ gì về một chợ Hà Nội xưa và nay?

Thói quen đi siêu thị mua hàng đang tăng dần đồng nghĩa với việc chợ mất dần lượng khách truyền thống nhất là tầng lớp có thu nhập trung bình khá trở lên và coi trọng chất lượng hàng hóa.      

Ông Vũ Vinh Phú

Nhẩm ra, tôi có đến 40 năm theo dõi ngành thương mại thủ đô trong đó có lĩnh vực chợ, siêu thị. Thời kỳ năm 1976, khi tôi về công tác tại  công ty Bách Hoá,  rồi năm1986 lên Sở Thương mại, qua các thời kỳ tem phiếu rồi đến giá kinh doanh linh hoạt, rồi lại đến kênh bán hàng siêu thị, bản thân tôi đều chứng kiến. Trải qua các thời kỳ đó thì chợ Hà Nội đã có nhiều thay đổi.

Nhìn chung, chợ Hà Nội, ngoài các chợ đã được xây dựng mới và cải tạo lại thì vẫn còn nhiều chợ đang rơi vào tình trạng xuống cấp. Nhiều chợ trong nội thành vẫn nhếch nhác, mái che, mái vẩy, chỗ để rác không có, thiếu hệ thống cấp thoát nước,v.v, nhất là chợ ngoại thành. Thủ đô đã giải phóng mấy chục năm nay, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn để theo kịp với xu hướng mua sắm văn minh. Vì vậy, các chợ cũ phải được cải tạo.  Những khu đô thị mới phải có chợ và các kênh phân phối khác để phục vụ nhân dân.

Đến giờ, đa số đều chợ lớn tại Hà Nội đều đã cải tạo. Tuy nhiên có một cảm giác ngược lại là chợ của ta càng xây to đẹp, đàng hoàng, càng dễ rơi vào tình trạng… “ế khách”. Vì sao vậy?

Giai đoạn 2006-2010 có một số chợ lớn như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam, Chợ Mơ được cải tạo lại thành trung tâm thương mại, mặc dù được đầu tư rất lớn, xã hội hóa công tác đầu tư cải tạo chợ được quan tâm nhưng cái đích là hiệu quả kinh doanh tại chợ chưa được như ý muốn, cụ thể là các chợ sau khi cải tạo thì tầng hầm buôn bán của các hộ kinh doanh trước đây không sầm uất, thậm chí đìu hiu, một số “bán lúa non” bỏ kinh doanh.

Lý do là ngoài thiết kế không phù hợp còn có việc việc kiểm soát trong trung tâm thương mại mới thì gắt gao, bên ngoài chợ lại buông lỏng, chi phí đầu tư vào chợ khá cao, có những bà con nghèo không chịu nổi. Còn phí dịch vụ vào chợ cao khi khách mua những mặt hàng giá trị thấp.

Bài học về cải tạo chợ chưa hiệu quả đã làm cho thành phố Hà Nội phải tạm dừng việc cải tạo các chợ thành trung tâm thương mại để rút kinh nghiệm và khắc phục nhằm đưa hoạt động của các chợ của Thủ đô sau cải tạo tiến kịp với sự phát triển rất nhanh của các siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Hà Nội ngày nay, sau 20 năm từ khi có siêu thị Đinh Tiên Hoàng, bây giờ đã có đến 125 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, đó là xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, tiến tới một nền thương mại văn minh.

Quy hoạch chợ được nhắc đến từ lâu, nhưng hình như chợ Việt nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu một nhạc trưởng?

Đúng là chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng về quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong việc xây dựng và cải tạo các chợ ở Thủ đô. Các nhà quy hoạch cần lấy ý kiến đại diện của các hộ kinh doanh tại các chợ cần cải tạo, không áp đặt ý kiến chủ quan của mình.

Theo tôi đối với chợ dân sinh ở ngoại thành thì nhà nước phải đầu tư, còn các chợ ở các quận nội thành thì nhà nước nên đầu tư cơ sở hạ tầng như cấp thoát nước, tường rào, điện và đường giao thông ra vào chợ. Cộng thêm việc kêu gọi vốn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, quản lý và khai thác chợ.

Phải xây dựng một cách đồng bộ để chợ có thể hoạt động một cách hiệu quả. Tất cả các Ban quản lý chợ loại 1 và loại 2 phải chuyển sang hình thức công ty kinh doanh chợ. Cần quan tâm đến việc xây dựng các chợ đầu mối ở các hướng vào thành phố để đón nhận các nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh vào Hà Nội và làm cơ sở để quản lý chất lượng hàng hóa phục vụ cho nhân dân Thủ đô.

Cần một văn hoá chợ

Cải tạo chợ không đơn giản là cải tạo hạ tầng mà cần một sự thay đổi cả chất lượng hàng hóa và văn hoá ứng xử của người kinh doanh. Hay chính xác hơn, cần một văn hoá chợ?

Đúng vậy, nếu chợ muốn tiếp tục lưu giữ những khách hàng quen thuộc của mình từ trước đến nay, muốn giữ lại bản sắc văn hóa của kẻ chợ chốn kinh kì. Muốn vậy, chợ ngoài việc cải tạo cơ sở hạ tầng cần phải xây dựng nếp kinh doanh mới của bà con cho theo kịp với xu thế văn minh hiện đại thời hội nhập, nhất là các chợ nổi tiếng ở Thủ đô có từ ngàn xưa.

Bác Hồ xưa đã từng nói: “lo cho dân ăn, học hành, ở”. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng đang như đi vào ma trận hàng hoá. Hàng lậu, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, hiện 87% người tiêu dùng vẫn đi mua hàng ở chợ và cửa hàng lẻ, hàng rong. Những đối tượng này chủ yếu là người nghèo và thu nhập thấp. Như vậy song song với việc phát triển kênh siêu thị, cần phải quan tâm đúng mức đến việc nâng cấp đầu tư và cải tạo một cách toàn diện và hợp lý từ nội dung đến hình thức.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG