Cân nhắc nâng công suất nhà máy giấy ở Hậu Giang

Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. ẢNH: CK
Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. ẢNH: CK
TP - UBND TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên phản hồi tới UBND tỉnh Hậu Giang  khi tỉnh này  có công văn gửi một số tỉnh thành trong khu vực để tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nâng công suất nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam từ 420 ngàn tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.   

Còn nhiều vấn đề cần rà soát

Trong công văn phản hồi tỉnh Hậu Giang hôm 7/10, UBND TP Cần Thơ cho biết dự án còn nhiều vấn đề cần rà soát, cân nhắc vì những tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn. 

Theo UBND TP Cần Thơ, nội dung báo cáo ĐTM  nhận dạng được các tác động (tích cực, tiêu cực) có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, đề xuất các giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ dự án có thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ; đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và đã được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận.

Tuy nhiên, dự án cần bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan  quá trình lập báo cáo ĐTM; bổ sung đánh giá, sự cần thiết của việc nâng công suất nhà máy từ 420 ngàn lên 1,1 triệu tấn giấy/năm, vì báo cáo cho rằng “tỷ lệ sản phẩm đầu ra không cố định, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn, cần mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý sử dụng hóa chất tại nhà máy; bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu theo đúng quy định.

Kết quả chạy mô hình mô phỏng phát tán khí thải (bụi, SO2, NO2) đều có ảnh hưởng đến TP Cần Thơ. Các địa điểm bị ảnh hưởng là các khu vực đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện tập trung lượng lớn dân cư. Do đó, chủ dự án cần rà soát, chỉnh sửa lại báo cáo và có biện pháp xử lý, kiểm soát khí thải đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Ngoài ra, chủ dự án chưa trình bày việc thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động dự án. Lưu lượng xả thải của nhà máy rất lớn, hiện tại là 20.000m3/ngày đêm, khi nâng công suất, con số này sẽ là 55.000m3/ngày đêm, trong khi nguồn tiếp nhận nuớc thải là sông Hậu, cũng là con sông lớn nhất và là nguồn cung cấp nuớc ngọt chính của các tỉnh/thành vùng ĐBSCL...

Cần tính đến tác động biến đổi khí hậu

 

Theo UBND TP Cần Thơ, trong những năm gần đây, ĐBSCL thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, diễn biến ngày càng phức tạp, mức độ tác động ngày càng nghiêm trọng; mặn đã đi sâu vào các kênh nội đồng ven sông Hậu; nguồn nước ngọt chảy về ĐBSCL trong mùa khô năm 2019-2020 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và dự báo những năm tới nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn sẽ còn rất lớn.

Khi vào mùa khô kiệt nhất, lưu lượng nước sông Hậu giảm mạnh, nhưng với lưu lượng xả thải của nhà máy lại rất lớn, như vậy sẽ tăng áp lực nặng nề đến nguồn tiếp nhận là sông Hậu. “Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng” - UBND TP Cần Thơ cho biết và kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần thận trọng xem xét, cân nhắc việc cấp chủ trương đầu tư cho dự án nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam từ 420 ngàn lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.

Theo phía UBND TP Cần Thơ, cần rà soát, đánh giá lại hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực dự án nói riêng và khu vực các tỉnh lân cận có sử dụng nước sông Hậu nói chung, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, kiệt nước trong mùa khô hay kể cả các tác động xuyên biên giới do các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính phía thượng nguồn sông Mekong. Nên tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về môi trường và tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, chịu tác động bởi dự án…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), phải có đánh giá lũy tích xung quanh để có cái nhìn toàn diện về tác động môi trường, vì khu vực của nhà máy giấy có thêm dự án nhà máy thép (nhà đầu tư Trung Quốc). Khi đánh giá tác động môi trường phải có đánh giá tổng thể, nếu tách ra từng dự án thì không đánh giá được tác động lũy tích liên hoàn của các dự án.

Mặt khác, trong điều kiện nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ngày càng ít, chưa kể khu vực này đã và đang hình thành rất nhiều công trình "ngăn sông" như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và nhiều công trình ngăn mặn khác. “Vì vậy, khi lỡ xảy ra sự cố môi trường, thủy triều biển Đông sẽ đẩy ô nhiễm sâu vào đất liền, trong khi phía biển Tây đã bị bịt lại, tình trạng ô nhiễm sẽ luẩn quẩn, đặc biệt khi Hậu Giang là địa phương nằm ở khu vực giáp nước (nước đứng) nên nguy cơ là rất lớn” - ông Tuấn nói và cho rằng không nên nâng công suất của nhà máy.

Dự án nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam tọa lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, do Tập đoàn Lee&Man Paper (Hồng Công - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, được địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007. Năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động, sản xuất sản phẩm giấy bao bì từ nguyên liệu giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.