Cần sớm đấu thầu công khai quản lý khai thác vịnh Hạ Long

Cảng tàu du lịch Bãi Cháy
Cảng tàu du lịch Bãi Cháy
TP - Quảng Ninh vừa giải tỏa chợ đêm Bãi Cháy nhằm trả lại “mặt tiền” cho cảnh quan vịnh Hạ Long và sắp hoàn thành việc di dời các làng chài trên vịnh về khu tái định cư tại phường Hà Phong. 

Tuy nhiên, tình trạng quá tải khách du lịch đang đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh cần sớm triển khai xây dựng một bến tàu du lịch xứng tầm nhằm phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch, kinh tế phát triển mạnh khiến vịnh Hạ Long đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo vệ môi trường khỏi tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. 

Do công tác quản lý tàu bè, nhà bè, khu neo đậu tàu thuyền chưa hiệu quả nên chất thải từ các phương tiện vận tải thủy, nhà bè, nhà hàng chưa được thu gom, xử lý cứ vô tư xả xuống mặt vịnh. Tình trạng dầu thải, rác thải bủa vây mặt vịnh ở nhiều nơi, nhất là những khu vực ven bờ không còn hiếm, nhất là khu Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy, các khu neo đậu ở các điểm tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Để trả lại môi trường, cảnh quan cho vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã mạnh tay cấm các tàu bốc rót than, tàu vận tải xi măng, đá hoạt động trên vịnh. Cùng với đó, công tác thu gom rác thải trên vịnh đưa vào bờ xử lý cũng được khẩn trương xúc tiến. 

Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã dành 8ha đất tại phường Hà Phong, đầu tư số tiền hơn 160 tỷ đồng xây dựng hơn 360 căn hộ làm nơi tái định cư di chuyển ngư dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống. Từ tháng 6/2014, đã có gần 300 hộ ngư dân nhận bàn giao nhà, lập nên một khu dân cư mới. Những động thái này sẽ giúp cho môi trường vịnh Hạ Long được mau chóng cải thiện.

Tuy nhiên, với hàng triệu khách du lịch đổ về mỗi năm, vịnh Hạ Long đang trở nên quá tải, nhất là trong dịch vụ vận chuyển khách tham quan, khiến không ít người than phiền về chất lượng dịch vụ. Cảng tàu Bãi Cháy được đánh giá là cảng tàu du lịch lớn nhất nhưng từ lâu đã xuống cấp, quá tải và quá nhiều hạn chế. Bến cảng, hệ thống phân chia chỗ neo đậu không đảm bảo an toàn. 

Hầu hết khách đi tham quan vịnh khi lên tàu phải lên từ mạn và mũi tàu bằng chiếc “cầu” gỗ tự chế có độ dài 2-3m, chiều ngang khoảng 30-40cm, thậm chí leo qua vài ba tàu gỗ mới lên được, tiềm ẩn mối nguy hiểm không ít. Bến này thường xuyên quá tải và trở nên lộn xộn, dù nhà ga mới được đầu tư cải tạo. Cảng Bãi Cháy không đủ tầm của bến cảng du lịch phục vụ lượng du khách quá lớn tham quan Vịnh Hạ Long. Việc quản lý tàu thuyền trên vịnh Hạ Long cũng đang bộc lộ nhiều bất cập.

Một số chuyên gia cho rằng để đáp ứng hàng triệu du khách tham quan vịnh Hạ Long mỗi năm, Quảng Ninh cần phải có khu cảng tàu du lịch chuyên biệt, quy mô hiện đại. Được biết, từ 3 năm trước, Quảng Ninh đã có chủ trương cho đấu thầu quản lý hoạt động khai thác du lịch trên vịnh và kêu gọi xây dựng cảng du lịch hiện đại… nhằm thu hút nguồn lực từ những nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế. 

Dư luận mong mỏi tỉnh Quảng Ninh sớm tổ chức đấu thầu công khai để tìm ra nhà đầu tư đủ năng lực quản lý, có cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn để khai thác tiềm năng du lịch xứng tầm di sản thế giới vịnh Hạ Long.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.