Khai mạc Diễn đàn Việc làm Việt Nam 2007:

Cần tạo thêm nhiều việc làm bền vững cho thanh niên

Cần tạo thêm nhiều việc làm bền vững cho thanh niên
TP - Diễn đàn Việc làm Việt Nam 2007 chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 17/12, thu hút gần 200 quan chức cao cấp của Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức của người sử dụng lao động trong và ngoài nước.

Đây là diễn đàn việc làm lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định rằng: Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, tăng trưởng GDP đạt 8,5%; hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động.

Theo Phó Thủ tướng, giải quyết việc làm bền vững là nhân tố quyết định để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động dồi dào, phát huy tối đa nội lực, tận dụng cơ hội, tạo ra thế và lực mới, để đất nước vượt qua mọi thách thức, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2001-2010 về giải quyết việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Chiến lược việc làm thời kỳ 2001-2010 nhằm mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; đảm bảo việc làm cho phần lớn lao động có nhu cầu làm việc; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Theo đó, sẽ phấn đấu tạo ra việc làm cho khoảng 15 triệu lao động trong giai đoạn từ 2001-2010; bình quân mỗi năm đạt 1,5-1,6 triệu. Đạt cơ cấu lao động nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ lần lượt là 50%, 23%, 27%.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 5% vào năm 2010; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian ở nông thôn lên 85% vào năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2010.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng - Vụ trưởng Lao động - Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), để tạo ra nhiều việc làm, Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều chương trình trọng điểm như:

Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng mở rộng; phát triển làng nghề, xã nghề, phố nghề; phát triển kinh tế trang trại; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản...

Chương trình phát triển công nghiệp như: Chương trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao, đặc biệt ở các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn có khả năng thu hút nhiều lao động với trình độ cao.

Đặc biệt, sau khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đi vào nề nếp, thị trường nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng.

Từ chỗ chỉ có 15 nước tiếp nhận lao động Việt Nam (năm 1995) với 10.050 người; đến nay, lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại tập trung chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, khu vực Trung Đông.

Riêng năm 2006, đã đưa được 78,8 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dự kiến năm 2007 sẽ đưa được 80 nghìn lao động, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên trên 400.000 lao động.

Cần tạo thêm nhiều việc làm bền vững cho thanh niên

Mặc dù ghi nhận những kết quả to lớn đã đạt được trong việc tạo ra nhiều việc làm mới, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng thừa nhận rằng, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Nhu cầu về việc làm, đặc biệt là việc làm bền vững cho lực lượng lao động trẻ vẫn là một vấn đề bức xúc trong xã hội. Hơn 50% lao động làm nông nghiệp, phần đông chưa qua đào tạo, chất lượng việc làm chưa cao, giá trị một ngày công lao động rất thấp.

Đồng thời, nguy cơ mất việc làm và thiếu việc làm là rất lớn, khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; năng suất lao động thấp; thiếu những chính sách đủ mạnh để khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực, phát triển các thị trường, đặc biệt là thị trường lao động.

Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm ở một số địa phương còn lúng túng, hiệu quả của một số dự án cho vay tạo việc làm còn thấp. Việc giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân.

Theo ông John - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, tạo việc làm và việc làm bền vững là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo và hội nhập xã hội.

Nhân tố quan trọng nhất để xoá đói giảm nghèo cho các nước đang phát triển cũng như các nước công nghiệp là việc làm ổn định với mức lương đảm bảo.

“Việc làm bền vững là việc làm hiệu quả cho cả nam và nữ trong điều kiện tự do, công bằng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm. Nói một cách đơn giản, việc làm bền vững là việc làm tạo thu nhập đẩy đủ, được an toàn tại nơi làm việc, được bảo đảm xã hội” - Ông Gohn nói.

Bà Sachiko Yamamoto - Giám đốc ILO khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng, việc tạo việc làm cho thanh niên ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, đó là việc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa cạnh tranh, năng suất và việc làm bền vững trong một thế giới đang toàn cầu hóa.

Thứ đến là tạo việc làm bền vững cho thanh niên châu Á - “Thế hệ Thiên niên kỷ” và trang bị cho họ những kỹ năng, kiến thức để tiếp cận việc làm.

Đồng thời phải đề cao việc quản lý lao động di cư trong nước và xuyên quốc gia, đảm bảo rằng lao động di cư nhận thức được về quyền lợi của mình.

“Mục tiêu lớn nhất của Diễn đàn việc làm lần này là kêu gọi sự quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của tạo việc làm và việc làm bền vững là mục tiêu trọng tâm của các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới” - bà Sachiko Yamamoto nói.

MỚI - NÓNG