Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL

TPO - Đó là một trong những đúc kết sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị được đưa ra tại hội thảo “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra sáng nay (23/5). 

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW. Ảnh: Cảnh Kỳ

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW cho biết, trong nghị quyết này có nhiều mục tiêu và cơ bản đã đạt được. “Nhưng có một mục tiêu rất quan trọng là đến năm 2020, tức là năm nay Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, rõ ràng mục tiêu này chúng ta không đạt được” – ông Bình nói và lưu ý, cần đánh giá trong 15 năm qua và tìm ra được lý do vì sao.

Cũng theo ông Bình, đã có hai lần sơ kết Nghị quyết 45, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận số 17 năm 2012 và kết luận số 07 năm 2016, đã đưa ra những cơ chế gọi là đặc thù cho Cần Thơ, cần đánh giá xem những cơ chế đó đã đủ mạnh chưa, đã phù hợp với mục tiêu đặt ra hay chưa, để thời gian tới có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa.

Ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành ủy Cần Thơ thông tin, đến nay, nhiều mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 45 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006-2019 đạt bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, tăng 7 lần so với năm 2005. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL ở một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ; an sinh xã hội được đảm bảo…

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, vẫn còn một số mặt chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng; nguồn lực đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại… Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.

Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL ảnh 2

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS. Võ Thanh Thu - Giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TP.HCM nêu ra hàng loạt những ưu thế và yếu điểm của Cần Thơ. Theo bà Thu, Cần Thơ là thành phố duy nhất ở ĐBSCL được công nhận là thành phố loại I trực thuộc trung ương.

Cơ sở hạ tầng của Cần Thơ vẫn tốt nhất trong các tỉnh ĐBSCL, đất các khu công nghiệp còn nhiều mà không cần nhiều tiền để đền bù giải tỏa, đây là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động. Cơ cấu kinh tế thành phố đang trong quá trình chuyển dịch tích cực theo hướng hiệu quả.

Đây cũng là nơi có những cơ sở đào tạo tốt nhất ĐBSCL, với trên 10 trường đại học và cao đẳng, trong đó có Đại học Cần Thơ là 1 trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Ngoài ra, còn có các viện nông nghiệp có uy tín. Có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt trong vùng, có sự hỗ trợ của quốc tế, có thể làm “bà đỡ” đưa các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của vùng ĐBSCL đi vào cuộc sống.

Có đội ngũ lãnh đạo các cấp có tâm huyết, am hiểu về ĐBSCL, am hiểu thuận lợi khó khăn của thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết 45, sẽ là cơ sở quan trọng đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm của toàn vùng, Cần Thơ có những điểm yếu. Đó là tốc độ tăng trưởng chưa thật cao, mặc dù được đầu tư nhiều. Chưa có những doanh nghiệp (DN) đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế, gần 97% DN hoạt động trên địa bàn là DN vừa và nhỏ.

Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL, chỉ số PCI của Cần thơ đứng hạng 11 (nhóm khá), trong khi đó các tỉnh khác trong vùng như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long nằm trong nhóm có  môi trường cạnh tranh tốt và rất tốt; tình hình thành lập DN và thu hút vốn FDI của Cần Thơ chưa cao. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho thúc đẩy cách mạng 4.0 trên địa bàn còn hạn chế.

Ngoài ra, Cần Thơ còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng đường bộ nối kết Cần Thơ với các tỉnh trong vùng còn thấp, đặc biệt Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải. Hoạt động của sân bay Cần Thơ còn thấp về công suất và hiệu quả.

Hai cảng lớn của Cần Thơ công suất hoạt động thấp, kém hiệu quả vì luồng Định An bị phù sa lấp, kênh Quan Chánh Bố dù đã thông luồng nhưng hiện tại tàu đầy tải 10 ngàn tấn và tàu vơi tải 20 ngàn tấn vẫn chưa thể ra vào các cảng; nhiều nguy cơ cảng container duy nhất tại Cần Thơ phải đóng cửa sau gần 4 năm đi vào hoạt động.

Là thành phố trung tâm ở vùng nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng sự phát triển các điển hình nông nghiệp công nghệ cao còn yếu, chưa có những mô hình mang tính điển hình để làm điểm chuyển giao cho các tỉnh khác ở ĐBSCL…

Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL ảnh 3 Là thành phố sông nước ở vị trí trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh là bến Ninh Kiều. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề: “Thời gian tới, tôi đặt ra vấn đề cho các nhà khoa học và các đồng chí ở các ban, bộ, ngành, nói về phát triển Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2045, nếu chỉ đóng khung ở trong đó thì tôi thấy là một nhiệm vụ khó, thậm chí chúng ta thường nói đùa với nhau là nhiệm vụ bất khả thi.”

Theo ông Bình, đúng ra là năm nay chúng ta phải tổng kết nghị quyết phát triển vùng ĐBSCL, phải xem cả vùng này định hướng như thế nào, khi đó chúng ta mới quy ra thành phố trung tâm của vùng nó phải ra làm sao để phù hợp cho cả vùng, việc chưa tổng kết cho cả vùng mà tổng kết cho Cần Thơ như vậy cũng có cái khó.

“Vì chúng ta phải thấy rằng Cần Thơ không thể nào tách rời khỏi vùng ĐBSCL, đấy là thế mạnh của Cần Thơ, chính vì vậy chúng ta mới gọi phát triển Cần Thơ thành đô thị trung tâm của cả vùng. Do vậy, quan điểm là phát triển Cần Thơ là phải gắn chặt với phát triển cả vùng ĐBSCL, như vậy nó mới thực sự trở thành trung tâm.” – ông Bình nhấn mạnh.

TS Đặng Kim Sơn:

Nếu Cần Thơ cũng phát triển như mô hình của 4 thành phố trực thuộc trung ương khác (dựa trên kinh tế đô thị, dựa vào phát triển công nghiệp nói chung…) thì với tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, tốc độ thu hút đầu tư như hiện nay, sẽ không thể trở thành đầu tàu kinh tế của vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp là lợi thế chính của ĐBSCL và may mắn là lợi thế này còn tiềm năng lớn. Nếu Cần Thơ phát huy được sức mạnh này thì thành phố sẽ dẫn đầu ĐBSCL trở thành động lực kinh tế của quốc gia và đóng vai trò quốc tế quan trọng.

Vị thế vượt trội của Cần Thơ chỉ thể hiện khi đứng trên thế mạnh của cả ĐBSCL về sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng vựa lúa, trái cây, thuỷ sản dẫn đầu cả nước và có lợi thế đặc biệt để trở thành một vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa đa dạng đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, muốn vươn lên thành trung tâm kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL thì Cần Thơ phải thể hiện được vai trò chiến lược trong phát triển nông nghiệp.

MỚI - NÓNG