Cần Thơ “mắc kẹt” giữa trung tâm ĐBSCL

Hàng hóa xuất khẩu của Cần Thơ bị kẹt đường ra. Ảnh: Hòa Hội.
Hàng hóa xuất khẩu của Cần Thơ bị kẹt đường ra. Ảnh: Hòa Hội.
TP - “Là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng Cần Thơ như bị kẹt, xung quanh không có đường ra, không có biển, hàng không thì yếu, đường thủy thì chưa khai thác nhiều, đường bộ thì đầu tư chưa tới. Nông nghiệp công nghệ cao thì đi kêu gọi mấy năm nay nhưng chưa nhận được quan tâm. Với đường bay, thành phố vẫn đang nỗ lực khai phá, tìm mọi cách kêu gọi hỗ trợ nhưng chưa có kết quả…”, ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói tại Diễn đàn Kinh tế Cần Thơ diễn ra hôm 12/4.

Lúng túng

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, nguyên nhân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại thành phố yếu là do các nhà đầu tư cho rằng giao thông không đồng bộ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và hạ tầng mềm quá yếu. “Con họ học ở đâu, rồi chữa bệnh đau ốm ở đâu, nghỉ ngơi giải trí ở đâu?”- ông Nam nêu vấn đề. Và, điều này đặt ra câu hỏi nên phát triển ngành công nghiệp chính trước hay phát triển hạ tầng mềm và công nghiệp hỗ trợ trước?

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, theo khảo sát năm 2015, các DN Đài Loan “chê” Cần Thơ không có cảng, các DN Hàn Quốc nói không có công nghiệp phụ trợ. Năm 2016, VCCI Cần Thơ làm việc với 12 đoàn DN Nhật Bản, tất cả đều thắc mắc và chưa hài lòng về chất lượng công nghệ thông tin, trong khi tại đây có nhiều trường ĐH, CĐ… Mặt khác, họ đòi hỏi điều kiện sống và thường đi theo cộng đồng, nếu có một vài DN đến thì họ sẽ đi theo và sống theo cộng đồng của họ. Vấn đề này lại là câu chuyện “quả trứng- con gà”, phát triển ngành chính trước hay phát triển phụ trợ, hạ tầng mềm trước?

Cần Thơ được đánh giá là địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) rất ổn định và có những cải thiện đáng kể qua từng năm. 5 năm trở lại đây đều nằm trong 15 tỉnh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đào tạo lao động là 2 chỉ số yếu nhất của Cần Thơ so với các tỉnh khác. Bên cạnh đó, tính minh bạch cũng là hạn chế, năm 2016 xếp 47/63 tỉnh.

Cũng theo ông Lam, Cần Thơ hầu như chưa có DN quy mô lớn thực sự, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, cấu trúc không đều nhau. Ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp chế biến nhưng do quy mô nhỏ và vừa, lại ít DN FDI trong ngành chế biến, sản xuất công nghiệp nên tỷ lệ phát triển công nghiệp đang có xu hướng giảm. Tính đến hết năm 2016, Cần Thơ thu hút 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 618 tiệu USD, bình quân giai đoạn 2007-2016 thu hút 111,7 triệu USD/năm, đứng sau các tỉnh trong vùng như Long An, Tiền Giang và Trà Vinh.

Cần đầu tư chiều sâu

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thời gian để Cần Thơ thực hiện mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 không còn nhiều. Việc lựa chọn ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển, gắn với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến xuất khẩu, trên cơ sở so sánh lợi thế cạnh tranh của địa phương là rất cần thiết nhằm rút ngắn chặng đường công nghiệp hóa.

Số liệu thống kê cho thấy, tuy cán cân thương mại quốc tế của thành phố luôn đạt mức thặng dư nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không bền vững, đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước rất khiêm tốn (dưới 1%). Sản phẩm xuất khẩu là các mặt hàng truyền thống có thế mạnh của địa phương như thủy sản, gạo, hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày… Tuy nhiên chủ yếu là sơ chế, xuất thô, chưa có thương hiệu mạnh nên giá trị thặng dư từ các ngành công nghiệp đang ở mức thấp, chưa tập trung đầu tư phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới, phát triển theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ĐBSCL cần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất các sản phẩm có lợi thế của khu vực; bên cạnh đó là vấn đề nguồn nhân lực, nông thôn, nông dân có thể chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em, lao động không chỉ thiếu chất lượng mà có thể cả số lượng.

Ông Huỳnh Văn Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, 10 năm qua, kinh tế TP tăng trưởng nhanh (bình quân 13,98%/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 656 USD năm 2005 lên 3.631 USD năm 2015, là đơn vị cấp tỉnh duy nhất trong vùng có điều tiết ngân sách về Trung ương… Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của thành phố chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa phát huy hết tiềm năng, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, doanh nghiệp tăng nhanh nhưng chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.