Cẩn trọng 'bẫy' lãi suất từ cho vay ưu đãi

Cẩn trọng 'bẫy' lãi suất từ cho vay ưu đãi
TP - Lãi suất cho vay giảm, nhưng tình hình tín dụng không mấy khả quan, nhiều ngân hàng chọn cách dồn tiền mua trái phiếu chính phủ và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân (để giảm nhẹ gánh nặng trả lãi). Các chuyên gia khuyến cáo, cần chú ý các điều khoản trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng, tín chấp.

> Làn sóng hạ lãi suất, hút khách vay
> Ngân hàng mắc kẹt với tiền 'chết'

Quảng cáo bùi tai

Không chỉ các ngân hàng nhỏ, nhiều “đại gia” ngành ngân hàng trong những ngày gần đây liên tiếp tung ra các chương trình kích cầu cho vay tiêu dùng cá nhân với nhiều sản phẩm khác nhau. Ngân hàng VietinBank thực hiện chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi chỉ từ 10%/năm trong 3 tháng đầu.

“ Với thời hạn cho vay tất cả loại xe, được kéo dài tới 5 năm, không quy định thu nhập tối thiểu của người đi vay, chỉ cần khách hàng chứng minh được nguồn trả nợ hợp lý là có thể được hỗ trợ tài chính lên tới 80% giá trị chiếc xe”, ngân hàng này quảng cáo.

Vietcombank cũng tung chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay mua biệt thự Flamingo Đại Lải Resort. Theo đó, từ nay đến hết 30/9, khách hàng ký hợp đồng tín dụng trong giai đoạn này được hưởng lãi suất 0%/năm, cố định trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên... “Đại gia” ACB triển khai chương trình tín dụng dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn từ 300 triệu đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà ở, tiêu dùng, xây dựng hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất ưu đãi cố định thấp nhất từ 9,99%/năm.

Trong khi ngân hàng VIB đưa ra chương trình lãi suất ưu đãi từ 7,77%/năm đến 11,79%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu, cho khách hàng vay cá nhân kinh doanh, bất động sản và mua ô tô.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thì áp dụng cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 6%/năm với khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, mua xe ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng. Giá trị vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng/ khoản vay.

“Bẫy” lãi suất

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã cho cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà... tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, với mức tăng 1,5% so với đầu năm. Số dư nợ khách hàng cá nhân chiếm 11,2% trên tổng dư nợ. Lãi suất cho vay cá nhân đã trở về mức khách hàng dễ chấp nhận hơn, khoảng 12 - 14%/năm.

 Các chương trình khuyến mại cho vay này chỉ cho người vay hưởng lãi suất thấp trong vài tháng, sau đó là tính theo lãi suất thị trường.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù được quảng cáo áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng rất thấp, chỉ vài phần trăm, thậm chí tới 0% trong suốt 12 tháng, nhưng việc phát triển khách hàng tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng rất chậm do nhiều người đã từng bị dính “bẫy lãi suất cao” của các công ty tài chính, ngân hàng.

Anh N.S.Hồng (đường Tây Sơn, Hà Nội) cho biết, giữa năm 2012 mua một chiếc xe máy của hãng Piagio theo hình thức trả góp với thời hạn 24 tháng, lãi suất 2,5%/tháng.

“Nhân viên tư vấn tín dụng mời chào rất khéo nên tôi đồng ý trả trước 20 triệu đồng, 20 triệu đồng còn lại trả dần hàng tháng. Sau tính toán lại, lãi suất phải trả lên tới 30%/năm, khiến tổng số tiền phải trả cho cả chiếc xe khi kết thúc hợp đồng lên tới hơn 50 triệu, đắt hơn chục triệu đồng so với trả tiền một lần”, anh cho biết.

Một cán bộ ngân hàng thừa nhận, nhiều khách hàng vay tín chấp bị rơi vào bẫy lãi suất do ham hố mức lãi suất 0% do các ngân hàng đưa ra mà không biết đây chỉ là cách ưu đãi người vay tiền trong thời gian rất ngắn. Khi thời hạn ưu đãi kết thúc, đồng nghĩa lãi suất lập tức được điều chỉnh theo thị trường, thậm chí cộng thêm cả một phần lãi suất đã được ưu đãi trước đó.

“Nhiều người vay tiền bị hoa mắt trước các ưu đãi nên không để ý các quy định cụ thể khi ký hợp đồng vay tiền. Khi phát hiện ra vấn đề thì không thay đổi được nữa. Nếu muốn thanh toán ngay để kết thúc hợp đồng sớm trước hạn thì sẽ bị ngân hàng buộc trả khoản tiền phạt”, vị này cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, chiến lược của ngân hàng này năm nay cũng như về lâu dài trọng tâm sẽ là tập trung đầu tư phát triển mảng cho vay tiêu dùng cá nhân.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng dùng các chiêu khuyến mại, cộng điểm dự thưởng, quay số trúng giải để đua hút vốn, thậm chí quảng cáo lãi suất cho vay tiêu dùng thấp... là điều bất hợp lý trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, khuyến mại cho vay ở các nước cũng có, nhưng họ chỉ làm để kích thích người dân, khách hàng đến ngân hàng vay hoặc cho vay chứ không phải là chiêu để cạnh tranh hút khách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.