Cẩn trọng khi mua hàng giảm giá

Cẩn trọng khi mua hàng giảm giá
Trong khi các doanh nghiệp (DN) đang ào ào khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để kích thích sức mua thì cũng có không ít cơ sở chỉ giảm giá ảo, hoặc tranh thủ đẩy ra thị trường những mặt hàng kém chất lượng... đánh lừa người tiêu dùng.
Cẩn trọng khi mua hàng giảm giá ảnh 1
Người tiêu dùng phải tỉnh táo trước “rừng” quảng cáo giảm giá - Ảnh: H.T.V.

Tình hình này xuất hiện ở các mặt hàng như giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm, một số mặt hàng thực phẩm, dụng cụ gia đình... Nhiều người tiêu dùng đã mắc bẫy.

Giảm thật hay giảm ảo?

Cầm trên tay đôi giày nằm trong chương trình bán hàng “rẻ chưa từng có” của một cửa hàng giày trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (P.Bến Thành, Q.1) thắc mắc: “Thấy cửa hàng treo băngrôn giảm giá rất hấp dẫn nên tôi vào xem. Nhưng giày dép ở cửa hàng này không có nhãn mác. Nói là giảm giá mà không dán giá cũ, giá mới gì. Như vậy người mua làm sao biết giá có giảm thật hay không?”.

Trong khi đó, nhân viên bán hàng tại cửa hàng này cho biết: “Hàng ở đây là gia công từ ngoài Bắc vào. Đôi nào, giá cũ bao nhiêu nay giảm giá xuống còn bao nhiêu tụi em nhớ hết, cần gì phải nhãn mác”.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải khách hàng nào cũng rành rọt mọi thứ, từ giá cả đến nhãn mác, chất lượng hàng hóa như vị khách hàng nói trên. Nhiều người do bị choáng ngợp bởi những chiêu quảng cáo giảm giá đến mức “sốc” đã mất tiền oan.

Chị Bùi Thị Kim Thu (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức) kể: cách đây ba ngày, khi đi qua một tiệm bán hàng túi xách, quần áo thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM thấy biển đề “hàng đại hạ giá” nên chị tấp vào hỏi.

Nhân viên bán hàng cho biết mỗi chiếc áo, đầm bất kỳ đều được giảm giá 100.000 đồng so với giá trên mác. “Thấy giảm nhiều vậy nên tôi cũng tranh thủ lựa được một áo sơmi đề giá 350.000 đồng. Nhưng chị bạn tôi trước đây cũng mở một tiệm bán quần áo trên đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) cho biết áo đó giá chỉ 200.000 đồng. Mua hàng giảm mà vẫn bị hớ 50.000 đồng” - chị Thu bức xúc.

Không chỉ ở các mặt hàng quần áo, giày dép thời trang mà ngay cả những mặt hàng đồ gia dụng, điện máy, người tiêu dùng cũng rất dễ bị hớ mặc dù đó là hàng giảm giá.

Chị Bùi Thị Kim Thu kể khi thị trường mới chỉ lác đác một vài nơi giảm giá, chị cũng nhanh nhẹn sắm một bếp từ (đồ Trung Quốc) ở một cửa hàng điện máy thuộc Q.Tân Bình với giá 650.000 đồng, nằm trong chương trình hàng giảm giá 20%.

Nhưng mới đây, khi vào xem tại một cửa hàng vừa khai trương ở Q.Gò Vấp, giá của chiếc bếp y như vậy chỉ niêm yết 600.000 đồng. Sau hai lần “mắc bẫy”, chị Thu cho biết khi đi mua đồ giảm giá bất cứ mặt hàng gì chị cũng đều xem xét, so sánh kỹ giá bán giữa các địa điểm khác nhau, đề phòng trường hợp lặp lại “vết xe đổ”.

Giá giảm, chất lượng giảm theo

Không chỉ lập lờ trong việc giảm giá bán, chất lượng hàng cũng là vấn đề khiến nhiều người bức xúc. Chị Trần Thị Thư (quê Vĩnh Phúc), công nhân may tại Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết cách đây hơn một tuần chị mua tám lốc sữa tươi kèm quà khuyến mãi bốn ly thủy tinh.

“Cứ mừng vì được quà khuyến mãi, nhưng ai ngờ toàn bộ số sữa tôi mua đều chỉ còn ba ngày sử dụng. Đành phải đem phân phát cho mọi người xung quanh uống “chạy”... quá đát” - chị Thu nói.

Tương tự, chị K.H. mua đôi guốc giá 160.000 đồng (mức giá đã giảm 20%) tại cửa hàng giày dép ở Q.3, TP.HCM. Tuy nhiên, mới đi được một tuần “sự cố” đã xảy ra khi đang đi lại trong giờ làm việc, một chiếc quai bị bật ra. Sau đó, khi đem ra thợ sửa gắn lại, đi được 2-3 ngày sau thì những hạt trang trí đính trên đó “lần lượt ra đi”.

Quá bức xúc vì chất lượng của những mặt hàng giảm giá, chị này cho rằng: “Giá giảm thì chất lượng hàng cũng không còn bao nhiêu nữa. Nhiều nơi còn cố tình lấp liếm nhãn mác, chất lượng, bảo hành... để đánh lừa người mua”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tá - cửa hàng trưởng một tiệm bán quần áo thời trang trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM, một số doanh nghiệp đang lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích đi mua hàng giảm giá để bán những hàng chất lượng kém. Theo ông Tá, người tiêu dùng cần “cảnh giác” xem xét kỹ chất lượng trước khi quyết định mua.

Mua hàng trong siêu thị: Cũng nên xem kỹ giá

Có thẻ thành viên hạng “xịn” của một siêu thị, bà Hà Giang và gia đình đã chọn siêu thị là nơi mua sắm đồ dùng gia đình dịp tết với mong muốn được hưởng ưu đãi để giảm bớt chi phí cho mùa tết. Sau khi mua sắm một vài hóa mỹ phẩm, bà Giang phát hiện giá một loại thuốc nhuộm và bàn chải đánh răng niêm yết của nhà bán lẻ cao hơn đến mấy ngàn đồng so giá in trên sản phẩm của nhà sản xuất. Tính ra sau khi được giảm 10% (hưởng chương trình khuyến mãi của siêu thị), giá bà Giang phải trả vẫn cao hơn giá niêm yết của nhà sản xuất.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương tham gia một chương trình khuyến mãi tại siêu thị C. Thông thường, bà ít khi xem lại hóa đơn mà mình mua. Nhưng khi lướt qua hóa đơn kiểm tra mức giá giảm của sản phẩm, bà Phương vô tình phát hiện mức giảm không giống với giá siêu thị công bố. Bà cho rằng siêu thị không trung thực với các chương trình khuyến mãi.

Theo bà Nguyễn Ánh Hồng - chủ đầu tư siêu thị Maximark, thông thường giá bán tại siêu thị luôn bán đúng theo giá yêu cầu của nhà sản xuất. Sở dĩ có trường hợp chênh lệch giữa giá niêm yết của nhà sản xuất và nhà bán lẻ là do việc điều chỉnh giá bán của nhà sản xuất dù hàng hóa vẫn còn trên kệ. Bản thân siêu thị luôn có độ trễ trong điều chỉnh giá bởi theo quy định, muốn thay đổi giá nhà sản xuất phải thông báo trước 30 ngày. Tuy nhiên hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu vốn chịu sự tác động của tỉ giá, giá xăng dầu nên khi các yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá.

Một siêu thị thông thường đã có hơn 30.000 mặt hàng, vì vậy có thể có hiện tượng sai giá do siêu thị phải điều chỉnh giá một số lượng lớn các mặt hàng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Mặt khác khi chọn đồ, khách hàng để lại không đúng chỗ dẫn đến trường hợp nhầm giá giữa hai mặt hàng có bề ngoài gần giống nhau nhưng giá khác nhau.

Trong thời buổi khó khăn, săn hàng khuyến mãi, giảm giá trong siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, người mua hàng cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ mặt hàng mình muốn mua với bảng giá niêm yết.

Theo Bạch Hoàn - Như Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG