Càng khó khăn, doanh nghiệp thép càng lãi lớn!

Càng khó khăn, doanh nghiệp thép càng lãi lớn!
Giá phôi thép càng tăng, nhà sản xuất và kinh doanh thép càng thu lãi lớn. Nghiêm trọng hơn, các nhà sản xuất còn hạch toán vào chi phí khoản chi thưởng “tiết kiệm vật tư” trái quy định, làm tăng giá thép.

Trước những nghịch lý trên, Thanh tra Chính phủ vừa chính thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm Tổng Cty Thép Việt Nam (VSC) và tạm thời ngừng cấp giấy phép đầu tư các nhà máy sản xuất thép xây dựng…

Mượn cớ giá phôi thép tăng để trục lợi

Kết thúc đợt thanh tra nhằm làm rõ nguyên nhân tăng giá thép những năm vừa qua tại VSC và các đơn vị sản xuất, kinh doanh thép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ khẳng định, những nhà sản xuất thép trong nước đã mượn cớ giá phôi thép nhập khẩu tăng để tăng giá thép một cách vô lý.

Đơn cử, Cty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) Cty Thép miền Nam là 2 đơn vị chiếm khoảng 40 thị phần thép xây dựng của Hiệp hội thép Việt Nam đang tự túc được 50% phôi thép, nên tác động của giá phôi thép nhập khẩu không lớn như các nhà sản xuất phải nhập 100% phôi thép.

Thế nhưng, từ năm 2003 đến tháng 8/2004, trung bình mỗi tháng Tisco hai lần tăng giá thép, còn Cty Thép miền Nam thì hơn một tháng tăng giá một lần. Việc tăng giá thép này, theo Thanh tra Chính phủ là “không dựa trên cơ sở giá thành”, nghĩa là dù chi phí sản xuất không tăng hoặc tăng không đáng kể và giá phôi thép tăng thấp, song doanh nghiệp đã tăng giá thép thành phẩm lên mức cao để trục lợi.

Cũng mượn cớ trên, các nhà sản xuất thép trong nước như Việt Hàn, Hoà Phát, Tam Điệp... đã liên tục tăng giá thép. Trong cơn sốt giá thép khủng khiếp năm qua, Thép Việt Hàn đã 84 lần điều chỉnh giá bán thép, Hoà Phát thì điều chỉnh giá thép tới 105 lần…

Hệ quả của những lần điều chỉnh giá thép này là đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hầu như bị đình đốn, nhiều dự án trọng điểm của Nhà nước và các Bộ ngành địa phương bị kéo dài, Nhà nước phải chi ngân sách bù tăng giá thép, người tiêu dùng thì phải “nghiến răng” mua thép…

Ngược lại, dù liên tục kêu khó khăn, có doanh nghiệp kêu lỗ, nhưng trong cơn sốt giá, Việt Hàn đã lãi 62 tỷ đồng (riêng 8 tháng năm 2004 lãi 44 tỷ đồng); Việt Ý lãi 61 tỷ đồng; Việt Úc 110 tỷ đồng; Vinakyoei 71 tỷ đồng; Tisco là 64 tỷ đồng; Cty Thép Miền Nam 136 tỷ đồng.

Nghịch lý nữa là trong 8 tháng sốt giá năm 2004, lượng thép tiêu thụ của các nhà sản xuất thép trong nước giảm mạnh, song lãi lại tăng rất cao so với năm 2003.

“Việc tăng giá thép xây dựng trong năm 2003 và đầu năm 2004 ở nước ta xuất phát từ các nhà máy sản xuất thép” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Trượng kết luận. Khẳng định này đã bác bỏ lý do mà các nhà sản xuất đưa ra trong đợt sốt thép vừa qua, như do không kiểm soát được hệ thống phân phối, do các đại lý tự ý tăng giá…

Nhà kinh doanh cũng “đục nước béo cò”!

Theo một cán bộ thanh tra Chính phủ, bằng cách câu kết với các nhà sản xuất, trong đợt sốt giá thép từ 2003 đến tháng 8-2004, các nhà kinh doanh thép cũng đã thu lợi rất nhiều tỷ đồng.

Tính riêng 7 trong số 8 đơn vị chuyên kinh doanh thép xây dựng được thanh tra (3 Cty thuộc VSC, 5 đơn vị thuộc các thành phần khác): Nếu như năm 2003, các Cty này “chỉ” lãi 121,9 tỷ đồng thì 8 tháng năm 2004, lãi đã tăng vọt lên đến… 657,2 tỷ đồng.

Điều nghịch lý là trong cơn sốt thép, Chính phủ đã tập trung, tìm mọi nỗ lực kiềm chế tăng giá, song các nhà kinh doanh lại liên tục tăng giá để trục lợi. So sánh năm 2003, 7 nhà kinh doanh thép này chỉ lấy lãi bình quân 17.420 đồng thì năm 2004, khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, các nhà kinh doanh đã quyết định tiếp tục tăng giá, và mỗi tấn thép bán ra đã thu lãi bình quân 93.890 đồng.

Riêng tại hai doanh nghiệp nhà nước là Cty Kim khí Hà Nội và Công ty Kim khí TP. HCM lãi bình quân lần lượt là 43.439 đồng  và 110.180 đồng/tấn thép xây dựng. Lãi bộn nhất phải kể đến Cty TNHH thép Việt, doanh nghiệp này đã thu lợi 324.486 đồng trên mỗi tấn thép bán ra.

Như vậy, làm phép tính thông thường cũng dễ dàng nhận thấy qua đợt sốt giá thép, mỗi nhà sản xuất lãi bình quân 37,6 tỷ đồng và mỗi nhà kinh doanh thép xây dựng lãi 14,5 tỷ đồng.

Cơn sốt thép vừa qua cũng đưa ra được kết luận: càng khó khăn, nhà sản xuất, kinh doanh thép càng lãi lớn; sản xuất và bán càng ít, số lãi càng cao!

Sẽ xử lý việc thu lợi bất hợp pháp…

Điều đáng nói qua đợt thanh tra là ngành thép đang được Nhà nước bảo hộ, với nhiều cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, vai trò quản lý của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính rất mờ nhạt.

Theo Thanh tra Chính phủ, khi có sốt giá thép, các cơ quan chức năng thuộc các Bộ này chưa kiểm soát được tình hình lưu thông thép trên thị trường, ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng tăng giá để thu lợi bất chính, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng “găm hàng”, đầu cơ nếu có… VSC cũng bộc lộ nhiều lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thép, cũng như trong việc lập kế hoạch bình ổn giá.

Không chỉ có vậy, một số nhà sản xuất được Chính phủ giao trọng trách bình ổn giá lại tăng giá để trục lợi, thậm chí còn hạch toán vào chi phí khoản chi thưởng tiết kiệm vật tư trái quy định, làm tăng giá thép với tổng số tiền 37 tỷ đồng!

Các nhà sản xuất thép khác cũng hạch toán trái quy định các khoản chi phí, làm tăng giá thành thép xây dựng số tiền 57,5 tỷ đồng!

Một nguyên nhân khác của những cơn sốt giá thép vừa qua, theo Thanh tra Chính phủ chính là việc ồ ạt đầu tư nhà máy cán thép, trong khi thiếu nghiêm trọng các nhà máy sản xuất phôi thép, khiến ngành phải nhập khẩu tới 80% phôi thép, chịu áp lực rất lớn về biến động giá phôi từ thị trường ngoài nước.

Trước thực trạng nêu trên, Thanh tra Chính phủ vừa chính thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm VSC, tạm thời ngừng cấp giấy phép đầu tư các nhà máy sản xuất thép xây dựng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý khoản tiền gần 100 tỷ đồng doanh nghiệp hạch toán sai vào giá thành sản xuất thép, cũng như “xử lý việc thu lợi bất hợp pháp trong việc lợi dụng biến động tăng giá thép trong những tháng đầu năm 2004”…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.