"Thả nổi" giá xăng, tăng giá dầu

Căng thẳng mặt bằng giá mới

Căng thẳng mặt bằng giá mới
TP - Sáng 25/2, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh công bố: Từ 11 giờ cùng ngày, giá bán lẻ xăng thực hiện theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự định giá trên nguyên tắc đảm bảo kinh doanh không lỗ, có sự giám sát của Liên Bộ Tài chính - Công thương.

Ngoài ra, giá dầu Diezel 0,25S, dầu hỏa tăng 3,7 nghìn đồng/lít (lên 13.900 đồng/lít); dầu Ma-dút tăng 1 nghìn đồng, lên 9.500 đồng/kg.

Theo ông Ninh, để các doanh nghiệp tự định  giá xăng, Chính phủ chấp nhận điều hành với mặt bằng giá mới. Nếu không điều chỉnh giá xăng, dầu sẽ bị xem là bao cấp quá lâu.

Trong tương lai, liên Bộ sẽ trình Chính phủ cơ chế điều hành cho phép doanh nghiệp lập quỹ bình ổn giá chống rủi ro. Lúc đó, giá lên hay xuống đã có quỹ này bù.

Hơn nữa, việc điều chỉnh giá dầu và “thả nổi” giá xăng lần này là nằm trong lộ trình của Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Tới đây, giá dầu, than, điện cũng sẽ thực hiện lộ trình để thị trường điều tiết như giá xăng.  

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Nguồn ngân sách khoảng 10 nghìn tỷ đồng trợ giá xăng dầu trước đây sẽ dành làm việc khác hữu ích cho người dân.

Theo ông Tú, từ ngày 22/11/2007 đã thực hiện việc điều chỉnh giá xăng theo giá thị trường, điểm khác của lần này là giá xăng do các doanh nghiệp đề xuất, liên Bộ chỉ phê duyệt giá đề xuất và không công bố mức giá trần, giá sàn như các lần trước.

“Cùng với việc đưa ra cách điều hành giá xăng dầu năm 2008, lần đầu tiên chúng ta đưa ra một loạt các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ các đối tượng kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng cũng như điều hành thị trường”- Ông Tú nói.

Ông Tú nhận  định việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá cả (ở mức 0,4- 0,5%). 

Theo đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào của nhiều loại, nếu tính từ đầu năm 2007 đến cuối 2007 đã tăng gấp đôi, trong khi nhiều mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu từ 70% - 80% (Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xác lập mặt bằng giá mới trong bối cảnh nêu trên sẽ làm căng thẳng thêm nền kinh tế vốn đang chịu áp lực lạm phát cao).

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao hiện nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc nhập khẩu xăng dầu, ông Tú nói:

“Đó là do họ chưa đáp ứng được yêu cầu. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải có cảng tiếp nhận, kho dự trữ xăng dầu, hệ thống đại lý… thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn”.         

Nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo và ngư dân

Liên Bộ đưa ra các giải pháp hỗ trợ người nghèo và ngư dân.

Với người nghèo: Mở rộng diện hỗ trợ và không thu tiền 5 lít dầu/hộ/năm cho các hộ dân ở những nơi chưa có điện lưới trên cả nước; hỗ trợ tiền điện tương đương 5 lít dầu/hộ/năm cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào thuộc diện chính sách (ở những nơi có điện lưới); tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như trợ cước vận chuyển mặt hàng chính sách...

Cấp học bổng theo mức 1/3 lương tối thiểu cho học sinh dân tộc nội trú, hỗ trợ học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông học bán trú con các hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (và thôn bản đặc biệt khó khăn khu vực II) theo mức: 70 nghìn đồng/tháng/học sinh mẫu giáo và 140 nghìn đồng/tháng/học sinh phổ thông bán trú.

Năm 2008, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo (80 nghìn đồng/người/năm), trẻ em dưới 6 tuổi (108 nghìn đồng/người/năm) lên 130 nghìn đồng/người/năm; hỗ trợ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện bằng mức 50% mệnh giá thẻ BHYT tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân.

Với ngư dân: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp về dầu thông qua cấp tiền một lần; hỗ trợ 33% phí bảo hiểm thân tàu và 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ tương ứng 30% lãi suất vay ngân hàng để thay máy tàu từ loại tiêu hao nhiều sang tiêu hao ít nhiên liệu với tàu có công suất từ 40 CV trở lên.

Ngư dân mua, đóng mới tàu có công suất từ 90 CV trở lên thay thế tàu công suất nhỏ hiện có, được hỗ trợ một phần lãi suất tương ứng 30% lãi suất vay ngân hàng (thời gian là 3 năm)...

MỚI - NÓNG