Cảnh báo đưa lao động sang Nga

Cảnh báo đưa lao động sang Nga
TP - Gần đây, nhiều lao động Việt Nam đi làm việc tại Nga phải về nước trước thời hạn do bị mất việc làm vì đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) qua các doanh nghiệp chưa được phép đưa lao động sang Nga.
Cảnh báo đưa lao động sang Nga ảnh 1
Thông báo tuyển dụng lao động của Cty Cổ phần Cung ứng Dịch vụ Hàng không    Ảnh: N.P.C

Tháng 1/2009, chị Phạm Thị Minh Hải (Khu 8, Thị Cầu, TP Bắc Ninh)  cùng bốn người khác được Trung tâm Đào tạo & XKLĐ Viglacera (Tổng Cty Thủy tinh & Gốm Xây dựng - Viglacera) đưa sang Nga làm việc.

Theo hợp đồng ký với Cty TNHH Mylateks, các chị được làm việc ba năm, thu nhập tối thiểu 4.400 USD/năm (khoảng 70 triệu đồng), giờ làm việc không quá 10 tiếng/ngày.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 20 ngày làm việc tại Cty Milateks, chị Hải và chị Đào phải về nước. Trong đơn chị Hải ghi rõ, khi sang Nga, chị được đưa đến trụ sở Cty là một trường học bỏ hoang. Chủ sử dụng lao động không sắp xếp chỗ ăn, ở cho lao động.

Thay vào đó, lao động (NLĐ) phải tự kiếm từng tấm gỗ dưới trời tuyết và các mảnh vải cũ để về đóng dát giường nằm và làm chăn đắp. Những ngày làm việc đầu tiên, chị Hải phải làm 15-16 giờ/ngày. Chưa nhận được lương, nhưng họ cho biết, mức thu nhập chỉ 40-50 nghìn đồng Việt Nam/ngày, chưa trừ tiền ăn ở, chi phí…

Ngày 10/3, chị Hồ Thị Hoa cũng gọi điện từ Nga về và nói  tình trạng công việc hiện tại rất khổ cực. Chị phải làm 13-14 giờ/ngày với mức lương khoán theo sản phẩm. Mỗi bộ quần áo may hoàn chỉnh chỉ nhận được 20.000 đồng Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, nhiều Cty đã phải tiếp nhận lao động tại Nga về trước hạn như Sovilaco, Sông Hồng… Có Cty bỏ hàng tỷ đồng để bồi hoàn cho lao động nhưng cũng nhiều Cty phủi tay, bỏ mặc lao động.

Vẫn rầm rộ tuyển

Ông Bùi Đình Dĩnh - Đại sứ Việt Nam tại Nga, cho biết, tại Nga hiện có rất nhiều doanh nghiệp do người Việt làm chủ là doanh nghiệp rởm, không có tư cách pháp nhân, nên trả lương cho NLĐ rất thấp.

Doanh nghiệp XKLĐ phải thẩm định kỹ hợp đồng rồi hãy đưa lao động sang Nga để tránh rủi ro cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Hơn nữa, kinh tế Nga không mấy lạc quan do suy thoái toàn cầu, việc làm giảm và đồng rúp mất giá so với USD nên lương NLĐ sau quy đổi rất thấp.

Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp ngừng thực hiện các đơn hàng đưa lao động sang Nga. Thế nhưng, mới đây, nhiều lao động tại Thanh Hóa được Cty Cổ phần Cung ứng Dịch vụ Hàng không (số 1, ngõ 196, Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội) mời chào đi lao động ở Nga với mức lương hấp dẫn (600 USD- 1.000 USD/tháng).

Tại văn phòng đại diện của Cty này (468 A, đường Nguyễn Trãi - TP Thanh Hóa), chúng tôi được nhân viên Cty đưa cho hàng loạt đơn tuyển lao động đi Nga, do ông Nguyễn Văn Thuật, GĐ Trung tâm XKLĐ ký.

Tại Trung tâm XKLĐ của Cty (14, tổ 53 Trung Kính - Cầu Giấy), Phó GĐ Trung tâm Bùi Sỹ Duẩn thừa nhận với PV Tiền Phong về việc Cty đang tuyển lao động đi Nga. Ngoài tuyển lao động đi Nga, Trung tâm còn tuyển lao động đi Caribê, CH Síp, Macau.

Qua xác minh thông tin tại Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) được biết, Cục chưa hề thẩm định đơn hàng nào của Cty Cổ phần Cung ứng Dịch vụ Hàng không cho các thị trường trên. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, khẳng định, Cty Airserco chưa được Cục cho phép thực hiện hợp đồng nào đưa lao động sang Nga.

Nga là thị trường truyền thống, Việt Nam đã đưa lao động sang (LĐ) làm việc từ những năm 1980 theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ). Từ năm 2007 và nửa đầu 2008, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ký được các hợp đồng tạo điều kiện tốt để đưa LĐ sang làm việc tại Liên bang Nga trong các ngành xây dựng, sản xuất chế tạo (lắp ráp điện tử, sản xuất ô tô...), may mặc.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hơn 1.000 LĐ sang Nga làm việc. Thu nhập bình quân hàng tháng của LĐ Việt Nam tại Nga khoảng 700 USD. Mới đây, Việt Nam và Nga đã ký hiệp định hợp tác LĐ, tạo khung pháp lý để đưa đi, quản lý, bảo vệ quyền lợi cho LĐ. 

* Người LĐ cần biết: Số điện thoại nóng tư vấn thông tin về xuất khẩu LĐ 04 38249517- máy lẻ 512-513; để xử lý hợp đồng, giải quyết quyền lợi cho người lao động: 04 38249517 máy lẻ 311-312-313; đơn thư, khiếu nại về tuyển dụng: 04 38249517 máy lẻ 301-303-304 (gọi theo giờ hành chính).

MỚI - NÓNG