Cảnh báo lập doanh nghiệp 'ma' để trục lợi

Một vụ nhập lậu đồng phế liệu và kim loại nhôm nhưng được doanh nghiệp khai là vải vụn.
Một vụ nhập lậu đồng phế liệu và kim loại nhôm nhưng được doanh nghiệp khai là vải vụn.
TP - Thủ tục thành lập doanh nghiệp quá đơn giản, quản lý lỏng lẻo khiến tình trạng doanh nghiệp “ma” xuất hiện ngày càng nhiều. Khi không thể truy thu được thuế vì doanh nghiệp tuyên bố giải thể, bỏ trốn...

Mượn cả tên người tàn tật, mất trí lập doanh nghiệp

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) gặp một trường hợp doanh nghiệp (DN) “ma” khá oái oăm. Đó là Cty TNHH phát triển thương mại Phú Phát (Cty Phú Phát), đăng ký kinh doanh tại số 20/37 đường 27, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM. Phát hiện công ty mở nhiều tờ khai hải quan nhập khẩu linh kiện điện tử, thẻ nhớ, khai giá thấp rồi né tránh tham vấn giá để thông quan, hải quan cho kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế các lô hàng tăng thêm trên 4,8 tỷ đồng. Xác minh thông tin DN tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, Cty Phú Phát có thành viên góp vốn gồm 2 cô gái là Nguyễn Ngọc K.V (SN 1996, trú tại quận 4) làm giám đốc, Nguyễn Thị N.H (SN 1995, trú tại quận Phú Nhuận). Khi đến kiểm tra địa điểm đăng ký kinh doanh, nhà chức trách không tìm thấy DN nào hoạt động ở đây.

Tìm được địa chỉ cư trú của hai cô K.V và N.H thì mới hay, họ không hề hay biết công ty trên. Nguyễn Thị N.H cho biết, trước đây H. có nộp hồ sơ xin việc tại cơ sở Em Spa trên đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh, H. sau đó nghỉ làm do việc không phù hợp.

Sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin từ hai người đại diện trên không liên quan DN ma, hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho công an để điều tra.

Theo Cục Hải quan TPHCM, việc quản lý hoạt động của DN do nhiều cơ quan, ban ngành thực hiện. Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn tìm được kẽ hở để hoạt động. Chiêu trò phổ biến của các đối tượng là thành lập DN chỉ trong thời gian ngắn, thuê mướn người lao động không có trình độ, kiến thức làm giám đốc rồi lấy tư cách pháp nhân của DN để nhập khẩu hàng cấm, hàng lậu, trốn thuế. Có những trường hợp giám đốc DN là thợ hồ, người tàn tật, mất trí nhớ, thậm chí cả những người đã chết từ lâu vẫn được đứng tên là người đại diện pháp luật của DN.

Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016, Cục Hải quan TPHCM và các đơn vị nghiệp vụ liên tiếp khám phá, bắt giữ 7 vụ nhập khẩu ngà voi trái phép, với trọng lượng gần 6 tấn. Qua điều tra, xác minh, hải quan phát hiện các DN chỉ đứng tên mở tờ khai, còn toàn bộ hoạt động khai báo, nhận hàng được thực hiện qua việc thuê các dịch vụ khai thuê thủ tục hải quan. Xác minh tại địa chỉ đăng kí kinh doanh của DN, cơ quan Hải quan phát hiện hầu hết là DN “ma”. Chẳng hạn, trường hợp của Cty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (Cty Diệu Tiên, địa chỉ ở 66/8 đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM) nhập lậu trên 2 tấn ngà voi bị phát hiện vào đầu tháng 10/2016. Dù được cấp phép thành lập vào cuối năm 2015, nhưng tại địa chỉ đăng kí kinh doanh của công ty này lại không có công ty thực tồn tại.

Lỗ hổng quản lý sau cấp phép

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ), việc quản lý hoạt động của DN do nhiều cơ quan, ban ngành cùng thực hiện, trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ và cấp giấy đăng ký kinh doanh, thành lập cho DN. Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong quá trình hoạt động, DN còn chịu sự quản lý của các cơ quan thuế, thống kê, quản lý lao động, Bảo hiểm xã hội; DN phải định kỳ gửi thông tin đăng ký DN và thay đổi nội dung đăng ký cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính để thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Sau các vụ việc buôn lậu của DN “ma” bị phát hiện, Cục Hải quan TPHCM đề nghị khi cấp phép thành lập DN hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, các cơ quan có thẩm quyền phải xác minh rõ nhân thân người đại diện pháp luật và địa chỉ hoạt động kinh doanh của DN, tránh tình trạng DN sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, tổng số nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi là 3.857,8 tỷ đồng. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều DN nhỏ, mới thành lập đã nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng với giá khai báo thấp hơn rất nhiều giá trị thị trường, sau đó giải thể, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký.

MỚI - NÓNG