Cảnh báo mất tiền tỷ từ sàn vàng 'chui'

Cảnh báo mất tiền tỷ từ sàn vàng 'chui'
Đầu tư trên sàn vàng là một hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản vàng tại nước ngoài. Từ năm 2010 hoạt động này đã bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có nhiều sàn vàng "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động, dưới danh nghĩa các công ty tư vấn, môi giới, ủy thác đầu tư…

Cảnh báo mất tiền tỷ từ sàn vàng 'chui'

> Sàn vàng “chui” bẫy nhà đầu tư
> Bài học cho dân chơi vàng ảo

Đầu tư trên sàn vàng là một hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản vàng tại nước ngoài. Từ năm 2010 hoạt động này đã bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có nhiều sàn vàng "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động, dưới danh nghĩa các công ty tư vấn, môi giới, ủy thác đầu tư…

Giao dịch tại một sàn vàng “chui”.
Giao dịch tại một sàn vàng “chui”.

Chính vì kinh doanh trái phép, nên những vụ nhà đầu tư bị chủ sàn lừa hoặc "cướp" tiền bằng các thủ đoạn tinh vi, đã không đến "tai" cơ quan chức năng. Nguy cơ những vụ gom tiền tỷ của dân rồi bỏ trốn ra nước ngoài, những vụ đâm chém nhau để đòi nợ đã hiển hiện ngay trước mắt.

Lách luật để tồn tại

Để cấm việc kinh doanh vàng "ảo", TS.Nguyễn Đại Lai - (Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Thật đơn giản, muốn không còn "ảo" thì phải làm "thật", tức phải mở lại sàn vàng và có những cơ quan cấp quốc gia đứng ra tổ chức, điều hành và quản lý". Chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương) cũng cho rằng, để quản lý thị trường vàng tốt hơn, nên cho lập sàn vàng. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỷ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng. Hơn nữa, việc này cũng sẽ hạn chế được sự bùng nổ của các sàn vàng chui.

"Thời buổi này muốn 1 vốn 100 lời, chỉ có thể là đầu tư sàn vàng. Sau khi bạn nộp khoản tiền ký quỹ, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách "đòn bẩy kích cầu" để tạm ứng cho bạn số tiền gấp từ 100 đến 500 lần số tiền đã nộp.

Từ lúc này, bạn đã có thể giao dịch mua bán vàng với thế giới. Lợi nhuận sẽ phát sinh từ khoản chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra.

Đã có một bạn trẻ khởi nghiệp chỉ với 200 USD, sau một "con sóng" - (một kỳ giao dịch), đã kiếm được số tiền 20.000 USD" - ông Hà, chủ sàn vàng KT ở phố Bà Triệu chào mời.

Những năm 2006 - 2009 hình thức kinh doanh vàng "ảo" trên mạng ở nước ta nở rộ như "nấm sau mưa".

Dân trong giới đồn đại người thúc đẩy loại hình kinh doanh này phát triển công khai tại Việt Nam chính là "bầu" Kiên. Từ năm 2010 hoạt động này bị đình chỉ, vì những hệ lụy gây ra cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện hoạt động kinh doanh vàng "ảo" vẫn tồn tại và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau để "lách luật".

Chị Hải - một nhà đầu tư cho biết: "Các sàn vàng "chui" bây giờ vẫn nhan nhản, nhưng núp dưới danh nghĩa các công ty tư vấn, môi giới, ủy thác đầu tư. Việc giao dịch dưới dạng các hợp đồng mua bán vàng vật chất, hợp đồng ủy thác đầu tư hàng hóa.

Đây là chiêu "lách luật", vì gọi là hợp đồng mua bán vàng vật chất, thực ra vẫn là giao dịch vàng tài khoản. Vẫn theo chị Hải, hiện ở Hà Nội, ước tính có không dưới 20 sàn vàng trá hình đang hoạt động.

Có thể điểm danh các "ông lớn" như công ty VGX ở Tòa nhà GP Hoàng Cầu; Công ty HBX ở phố Bà Triệu; Công ty Kim Thành ở phố Bà Triệu; Công ty Khải Thái.v.v". Họ thường giới thiệu có liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để tạo lòng tin lôi kéo các nhà đầu tư tham gia.

Trong vai nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu thông tin tại công ty VGX, chúng tôi được nhân viên lễ tân đón tiếp niềm nở và nói như "ru" về lợi nhuận có được từ đầu tư mua bán vàng. Công ty cam kết sẽ cập nhật kịp thời giá vàng trên thế giới để cung cấp cho nhà đầu tư quyết định mua vào hoặc bán ra.

Để tham gia sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư phải nộp vào trước một khoản tiền nhất định, gọi là ký quỹ. Tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD, không quy định mức tối đa.

Khoản tiền này đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng (gold) gấp 100 lần số tiền ký quỹ, đồng thời bao gồm luôn phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch. Tổng số phí thấp nhất là 10.000 đồng/1 lượng vàng được giao dịch.

Dân trong nghề cho biết, dù công ty có ứng trước cho khách số tiền "ảo" gấp 100 lần tiền ký quỹ, nhưng nếu thấy khách thua gần chạm đến số tiền này, lập tức công ty sẽ thao tác hủy giao dịch, để khách chỉ thua trong số tiền "thịt" của mình. Vậy nên, mở sàn vàng chỉ cần bỏ mấy nghìn đô thuê server (máy chủ) ở nước ngoài, thuê văn phòng, còn đâu là "mỡ nó rán nó" tức nhà đầu tư tự "nuôi" sàn bằng tiền của chính mình.

Hợp đồng mua bán “vàng ảo”
Hợp đồng mua bán “vàng ảo”.

Ẩn họa phía sau những món lời

Trong 4 năm phát triển tự do, kinh doanh sàn vàng đã gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Vì vậy, ngày 06/01/2010, Ngân hàng nhà nước đã ra Thông tư số 01/2010/TT-NHNN về việc bãi bỏ Quyết định số 03/2006. Theo đó, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh kể từ ngày 06/01/2010. Tuy nhiên, việc cấm và dẹp bỏ sàn vàng "chui", dường như quá khó khăn.

"Trên sàn vàng nhà đầu tư không chỉ đấu với nhau mà còn đấu với chính chủ sàn. Mặc dù luôn thể hiện mình chỉ là trung gian, chỉ làm vai trò môi giới (brocker), nhưng trên thực tế các chủ sàn chính là "nhà cái", trực tiếp "ăn thua đủ" với nhà đầu tư" - chị Yến, một nhà đầu tư ở Hải Phòng đúc kết.

Theo chị, chủ sàn có nhiều cách để ăn chặn tiền của người chơi, từ đơn giản đến tinh vi. Thông thường trước hoặc sau khi giá vàng biến động mạnh, "tự nhiên" đường truyền đứt hoặc nhập lệnh không được.

Đến khi mạng hoạt động trở lại thì giá vàng đã biến động theo chiều hướng khác, chủ sàn không đồng ý cho chốt giá tại thời điểm trước khi xảy ra sự cố, nên tài khoản nhà đầu tư "cháy" hết. Nhà đầu tư phản ứng thì chủ sàn giải thích hệ thống quá tải do có quá nhiều lệnh đổ về cùng lúc, công ty chỉ là trung gian, mọi thắc mắc xin liên hệ với công ty nước ngoài.

Mới đây, trong đơn tố cáo gửi đến báo CAND, chị Khánh ở Phú Thọ cho biết: chị tham gia sàn vàng của công ty KT ở phố Bà Triệu từ tháng 9/2013, đã ký quỹ số tiền 50.000.000đ. Ngày 06/9/2013 chị đến công ty để tham gia phiên giao dịch mua bán vàng. Hồi 19h30 cùng ngày, giá vàng thế giới là 1.368,06 USD/ 1Ounce, chị đã bán ra 100 Ounces. Sau đó giá vàng hạ xuống mức 1.360 USD/1 Ounce.

Đây là lúc thích hợp để chị Khánh mua vào, nhưng công ty KT đã can thiệp vào phần mềm giao dịch để không hiển thị mức giá này, do đó chị Khánh cùng nhiều khách hàng khác đã không biết để mua. Đợi lúc giá thị trường biến động ngược trở lại lên mức giá 1.377 USD/1 Ounce, thì công ty mới báo giá. Việc làm này khiến chị thiệt hại 2.000 USD, thay vì được hưởng 800 USD tiền lãi.

Ngày 27/9/2012 Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội tiếp nhận thụ lý đơn của bà Vũ Thị Thuận ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, tố cáo Công ty CP Golden Star - ở số nhà 55 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội đã lừa đảo chiếm đoạt của bà số tiền gần 25 tỷ đồng. Trong đơn bà Thuận cho biết, vào ngày 05/11/2010, bà ký hợp đồng mua bán hàng hóa, thực chất là mua bán vàng qua mạng với công ty Golden Star. Sau khi ký hợp đồng, bà đã chuyển số tiền gần 25 tỷ đồng cho công ty. Đến ngày 13/4/2012 khi bà cần rút tiền ra, thì phát hiện công ty đã đóng cửa, ban lãnh đạo đã trốn biệt tăm.

Cùng chung cảnh ngộ với bà Thuận, chị Hằng - một nhà đầu tư ở Hà Đông kể lại: "đầu năm 2012 tôi tham gia đầu tư tại công ty DC ở Hoàng Mai, Hà Nội, đã ký quỹ số tiền 4.200 USD. Khi số tiền lãi phát sinh từ việc mua bán vàng của tôi lên đến 7.500 USD, thì công ty này đã xóa hết lịch sử giao dịch, đóng cửa ngừng hoạt động, giám đốc bỏ trốn. Gần một năm lặn lội, tôi mới tìm được tên giám đốc. Tôi dọa sẽ báo công an thì hắn mới trả lại tôi số tiền gốc và một nửa số tiền lãi".

Vẫn theo chị Hằng, thì hiện nhiều sàn vàng "chui" đã chuyển từ hình thức môi giới mua bán vàng, sang huy động vốn với lãi suất cao dưới danh nghĩa ủy thác đầu tư.

Theo đó, chủ sàn kêu gọi các nhà đầu tư giao vốn cho họ quản lý và kinh doanh, với mức lãi suất tiền gửi từ 5% đến 10%/tháng cho từng kỳ hạn 3 tháng hoặc 6 tháng. Vì lãi suất cao, nhiều người dân đã vượt qua cảnh báo về các nguy cơ rủi ro, xuất tiền ủy thác cho chủ sàn kinh doanh thay mình.

Chị biết có sàn chủ là người Hồng Kông đã huy động đến hơn 20 tỷ đồng của nhà đầu tư. Chị lo sau khi gom được một "mớ tướng", ông này sẽ "bùng" ra nước ngoài, để lại bao nhà đầu tư "khóc dở, mếu dở". Biết nhưng không dám nói, sợ sàn bị đánh sập thì các bạn chị lại không kịp rút số tiền đã chuyển cho công ty này.

Trở lại với đơn tố cáo của chị Khánh, buổi sáng 08/11/2013 chúng tôi đã đến xác minh tại trụ sở công ty KT. Ngoài phòng chờ có màn hình hiển thị biến động của giá vàng trên thế giới.

Mới buổi sáng mà sàn đã nhộn nhịp, các nhà đầu tư chăm chú theo dõi biểu đồ hình núi trên màn hình, chốc chốc lại ra lệnh mua vào hoặc bán ra. Mặt ai nấy chăm chú, căng thẳng như đang trong một cuộc sát phạt đỏ đen. Người đi cùng chúng tôi nói khẽ: "chơi môn này dễ đau tim lắm. Bạc tỷ trôi vèo qua tay không dấu vết".

Được biết nhóm PV đến tìm hiểu vụ việc theo đơn tố cáo của chị Khánh, ban lãnh đạo công ty có vẻ lo lắng. Khi tôi đặt câu hỏi: "các anh đang hoạt động theo hành lang pháp lý nào?" thì họ xin phép ra ngoài, một lúc sau quay vào báo có việc gấp, hẹn sẽ gặp làm việc vào hôm khác.

Hoạt động kinh doanh vàng "ảo" đang diễn ra công khai, ngang nhiên bất chấp pháp luật. Ẩn chứa nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Vì vậy các cơ quan chức năng TP Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những diễn biến khó lường. Chuyên đề CSTC sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất.

Theo Trung Hiếu
Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG