Cảnh báo nền kinh tế lệ thuộc tập đoàn đa quốc gia

TP - Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đáng báo động khi có dấu hiệu nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào một vài tập đoàn đa quốc gia. Vì sao và làm cách nào thoát khỏi?

Nhà đầu tư nước ngoài chi phối

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), trong quý 1/2017, hầu hết ngành công nghiệp suy giảm bất thường khiến tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt một số tập đoàn lớn như Samsung. Thương mại tăng trưởng cao nhưng xuất khẩu chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%.

Xét về mặt cơ cấu, thông thường tăng trưởng công nghiệp ở mức thấp trong quý 1 là điều bình thường do hiệu ứng Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp như quý 1/2017 đáng lo ngại. Tăng trưởng chỉ số công nghiệp và chỉ số tiêu thụ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, trong khi lượng hàng tồn kho tăng đáng kể.

Dẫn dụ con số của Tổng cục Thống kê để thấy: Đến hết năm 2016, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 295,6 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 154,4 tỷ USD. Theo TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân), trong tổng vốn FDI thu hút được, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 48,8%, dẫn đầu trong tất cả lĩnh vực thu hút FDI. Tuy nhiên, xét theo hình thức đầu tư, DN 100% vốn nước ngoài chiếm cao nhất với 71%; DN liên doanh chiếm 23%.

“Hình thức DN 100% vốn nước ngoài chiếm tới 2/3 trong tổng vốn FDI cho thấy khả năng chi phối của nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam khá lớn. Đồng thời, khả năng Việt Nam học hỏi từ nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ, kinh nghiệm thị trường và kiến thức thị trường sẽ khó khăn. Hơn nữa, việc xuất hiện nhiều DN 100% có vốn nước ngoài làm tăng tính biệt lập của khu vực FDI so với phần còn lại của nền kinh tế”, ông Lạng đánh giá.

Xuất khẩu của Samsung Việt Nam chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2016. Trong chuỗi sản xuất của Samsung, tại miền Bắc có khoảng 6 DN cung ứng dịch vụ cấp 1 và 155 DN cấp 2. Tuy nhiên, các DN này chủ yếu in ấn và bao bì với giá trị gia tăng thấp.

FDI chiếm 65% kim ngạch XNK

Hệ quả đầu tiên của việc phát triển DN 100% vốn nước ngoài là xu hướng nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào mùa vụ sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn đa quốc gia. Các chuyên gia từ Viện Thương mại và kinh tế cho rằng, để thoát tình trạng này, ngoài nâng cao chất lượng, sản phẩm sản xuất trong nước, Chính phủ cần có giải pháp thu hút để nâng cao hình thức DN liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam.

“Nhờ coi trọng hình thức DN liên doanh nên các DN Trung Quốc đã nhanh chóng học hỏi trực tiếp bí quyết công nghê, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Từ đó, tăng khả năng tham gia của sản phẩm Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, để DN Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành.

“Một trong những nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung. Điều này cho thấy khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh, thu hẹp dần, yếu thế trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá.

“Hình thức DN 100% vốn nước ngoài chiếm tới 2/3 trong tổng vốn FDI cho thấy khả năng chi phối của nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam khá lớn. Đồng thời, khả năng Việt Nam học hỏi từ nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ, kinh nghiệm thị trường và kiến thức thị trường sẽ khó khăn”. 

TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.