Cảnh báo phong trào tôm thẻ chân trắng

Cảnh báo phong trào tôm thẻ chân trắng
TP - Việc nuôi tôm thẻ chân trắng đang chạy theo phong trào, khó kiểm soát, và đã có cảnh báo nguy cơ của phong trào này.

Thị trường thế giới giảm tiêu thụ tôm cỡ lớn đắt tiền, tăng lượng tiêu thụ tôm cỡ nhỏ rẻ tiền, mở ra cơ hội cho tôm thẻ chân trắng, với thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, thu lợi nhanh.

Kế hoạch của Bộ NN-PTNT, năm 2009 các tỉnh ĐBSCL nuôi sản lượng khoảng 100.000 tấn tôm thẻ chân trắng, chiếm 26,3 phần trăm tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ. Thống kê đến giữa tháng 2/2009 của Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL lên kế hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng 2.148 ha nhưng mới thả nuôi khoảng 75 ha (3,4 phần trăm).

Việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng đang chạy theo phong trào, khó kiểm soát và nhiều hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch. Tại Trà Vinh, đến nay có trên 50 triệu con tôm thẻ chân trắng được thả nuôi trên diện tích 71 ha mặt nước, trong đó chỉ có khoảng 20 ha được cơ sở giáo dục Bến Giá, xã Long Hữu (Duyên Hải) thả nuôi trong vùng quy hoạch, có hiệu quả khá từ 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Số còn lại phần lớn là nuôi nhỏ lẻ ngoài vùng quy hoạch, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên bị thua lỗ.

Dịch bệnh

Nhược điểm lớn nhất của con tôm thẻ chân trắng là bị nhiều loại dịch bệnh nhất là bệnh taura. Các tỉnh ĐBSCL lại phải nhập con giống từ các tỉnh miền Trung nên khó kiểm soát làm cho kết quả nuôi không ổn định.

Huyện Duyên Hải (Trà Vinh), tại thời điểm hiện nay chỉ có 20/53,2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả. Ông Lâm Minh Thế, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải, cảnh báo: “Các tỉnh miền Trung có ưu thế lựa chọn con giống có chất lượng nên con giống có chất lượng thấp hơn chắc chắn sẽ được đổ về các tỉnh ĐBSCL và tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng có thể trầm trọng hơn”.

Việc kiểm tra chất lượng con giống nhập vào các tỉnh là cực kỳ khó khăn. Bởi tôm giống được nhập bằng nhiều con đường (đường bộ, đường thủy…), nhất là nhập lậu. Việc quản lý và kiểm dịch con giống của ngành chuyên môn cũng chưa thực hiện được, nguồn giống phần lớn cung cấp qua trung gian của các đơn vị ngoài tỉnh cho người nuôi khi có nhu cầu.

Ông Robin, một chuyên gia Mỹ về lai tạo và cải tiến giống tôm, đang làm việc cho Tập đoàn C.P (tập đoàn cung cấp giống thủy sản, heo, gà; kinh doanh thức ăn, thiết bị chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), nói: “Bệnh taura trước đây đe dọa nghiêm trọng tôm thẻ chân trắng thì bây giờ không còn là bệnh đáng ngại nhất vì đã có nhiều loại giống kháng bệnh này. Bệnh đáng ngại nhất là chăm sóc không kỹ lưỡng, quy trình nuôi không bảo đảm”.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Thống kê của Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN-PTNT), kế hoạch năm 2009, các tỉnh ĐBSCL nuôi 566.069 ha tôm sú. Đến hết tháng 1/2009 mới nuôi 78.822 ha (13,9%).

Theo các quy định hiện hành của Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương, tôm thẻ chân trắng phải nuôi thâm canh trong vùng qui hoạch để tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Thực tế, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng rất khó cách ly với vùng nuôi tôm sú.

Ông Phạm Nam Dương - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh nói: “Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”. Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm.

Một vấn đề khác là tôm thẻ chân trắng không dễ tiêu thụ, nhất là trong điều kiện nuôi nhỏ lẻ, rải rác hiện nay. Vừa qua, người nuôi chủ yếu bán cho thương lái, số lượng rất hạn chế. Mặt khác, nếu đường vận chuyển không thuận lợi, kéo dài thời gian tôm sẽ bị giảm chất lượng (gãy đầu, xuống màu,…).

Anh Lê Vũ Phương, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Long Hữu (Duyên Hải, Trà Vinh), cho biết: “Vụ thẻ nuôi tôm thẻ đầu tiên tôi thả 500.000 con, mật độ 80 con/m2, sau 2,5 tháng thu hoạch, năng suất bình quân 8,6 tấn/ha, giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Lợi nhuận khá, nhưng khó tiêu thụ”.

Khó khăn nhất hiện nay là người nuôi tôm thẻ chân trắng phải dùng tiền mặt cho các chi phí thức ăn, con giống, thuốc thú y, do cơ sở dịch vụ cung cấp từ ngoài tỉnh không bán chịu như đối với người nuôi tôm sú.

Vốn đầu tư ban đầu lại khá lớn vì mật độ thả nuôi đến 80-100 con/m2, dày gấp 7-10 lần so với tôm sú, mà giá con giống bằng hoặc cao hơn con tôm sú. Người nuôi tôm sú đã gặp khó về vốn, nuôi tôm thẻ chân trắng càng khó hơn.

Hiện con giống tôm thẻ chân trắng được cung cấp chủ yếu từ các Cty CP, AND, Việt-Úc và Trại giống Anh Việt. Việc quản lý chất lượng con giống, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh trên con giống chưa chặt chẽ, nguy cơ tôm thẻ chân trắng gây bệnh lan rộng, phát tán sang con tôm sú là rất lớn.

Các nhà quản lý và các chuyên gia khẳng định: Nhu cầu của người tiêu dùng chú ý tới tôm thẻ chân trắng hiện nay chỉ là tạm thời. Tương lai, tôm sú vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Bởi vậy, Việt Nam cần phát triển song song cả hai loại tôm.

MỚI - NÓNG