Chuyên gia chứng khoán Huy nam:

Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai”

Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai”
TP - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chập chững những bước đi theo quy luật chung của thế giới. Nhưng để đi vững thì còn quá nhiều việc phải làm, nhất là trong tình cảnh “nóng lạnh thất thường”.
Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai” ảnh 1
Sự “đỏng đảnh” của thị trường chứng khoán trong tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng       Ảnh: Hồng Vĩnh

Cuộc trao đổi sau đây giữa Tiền phong và chuyên gia chứng khoán Huy Nam sẽ giúp bạn đọc “nhìn rõ” hơn TTCK hiện nay.

Có hiện tượng làm giá?

Ông đánh giá thế nào về việc TTCK hồi phục khá nhanh cuối tuần này?

Theo tôi, việc TTCK Việt Nam sau ba phiên rớt giá quá nhanh đã hồi phục vào phiên cuối tuần ngày 16/3/2007 là “cộng hưởng” của nhiều yếu tố. Một số nhà đầu tư đã tranh thủ lúc giá xuống mạnh để mua vào.

Nhiều đại gia, nhà đầu tư lớn nắm khối lượng lớn CP blue chip không muốn CP của mình xuống thêm nữa nên đã mua vào để “hỗ trợ” cho CP đang nắm giữ không xuống thêm nữa.

Có người cho rằng, đây là trò “làm giá” nhưng nên nhìn cả hướng tích cực vì nó góp phần kéo VN-Index hồi phục nhanh chóng. Hơn nữa, ngày 15/3/2007, TTCK thế giới đã bắt đầu hồi phục.

Tôi cho rằng, hồi phục nhẹ thì mình có thể yên tâm. Rớt mạnh quá hoặc lên nhanh quá cũng đều bất ổn, không bền vững. Sở dĩ vẫn còn tình trạng này vì nhà đầu tư trong nước vẫn chạy theo phong trào, đổ xô mua hoặc bán làm thị trường vốn chao đảo càng ảnh hưởng nặng nề hơn.

Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai” ảnh 2

Chuyên gia chứng khoán HUY NAM - Thành viên Hội đồng Cố vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Đầu tư... Cố vấn về TTCK cho các Cty niêm yết như REE, SAM, Thiên Nam...

Tham gia giảng dạy về TTCK tại nhiều trường ĐH, tỉnh thành, đồng sáng lập Nutifood...

Ít có nơi nào mà chỉ mới có vài tin xấu hay tốt dù chưa chính thức mà nhà đầu tư lại ào ạt bán giá sàn hay mua giá trần như ở Việt Nam.

TTCK Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng lại “béo phì”, đừng nên để hiện tượng đó xảy ra vì rất dễ “nhiễm bệnh” và đổ ngã.

Theo ông, hiện tại TTCK Việt Nam có hiện tượng “làm giá” không?

Năm 2006, tôi có tìm hiểu một số quỹ đầu tư lớn, nhà đầu tư sở hữu nhiều CP vào thời kỳ gần cuối năm 2006. Khi đó, giá nhiều loại CP còn thấp. Khi TTCK bắt đầu nóng vào cuối năm 2006, họ đã bắt đầu ngưng mua và đầu 2007 đã bán ra từ từ để đảm bảo lợi nhuận.

Ngay trước Tết Đinh Hợi, rồi sau Tết, ít nhà đầu tư khôn ngoan hay nhiều kinh nghiệm nào lại mua vào nhiều và lượng bán ra của họ tăng lên. Họ đầu tư lâu dài và phần lớn chơi chứng khoán, sở hữu CP từ lâu nên chấp nhận và có phần thỏa mãn với lợi nhuận nếu bán vào thời điểm đầu tháng 2,3/2007.

Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai” ảnh 3

Còn các quỹ đầu tư thì vừa qua là chu kỳ họ phải bán ra để có lợi nhuận báo cáo với những người góp vốn vào quỹ. Vì vậy, tôi cho rằng, không có hiện tượng làm giá trong đợt điều chỉnh giảm vừa rồi.

Tuy nhiên, trong việc tăng tăng giá vào phiên ngày 16/3/2007, khi mà nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất ít, bán ra nhiều, các CP đang rớt 3,4 phiên liên tục lại bị đẩy tăng kịch trần thì có dấu hiệu của sự làm giá.

Ông có cho rằng, những lời cảnh báo và phân tích của các tổ chức nước ngoài về TTCK Việt Nam đôi khi chưa phù hợp với thực tế nước ta?

Quỹ tiền tệ quốc tế  (IMF) phân tích và đánh giá TTCK Việt Nam phát triển quá nóng, chỉ số P/E trung bình lên đến 73, còn nhiều nhận định trong nước cho rằng báo cáo của IMF chưa chính xác và chỉ số P/E thực tế chỉ khoảng 50.

Theo tôi, P/E là 73 hay 50 không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá TTCK “nóng” hay “lạnh” mà còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác. Nhưng mục đích của những cảnh báo như IMF làm là muốn TTCK của chúng ta phát triển bền vững.

Họ đánh giá dựa trên những cơ sở của tất cả các TTCK lớn khác, từ những kinh nghiệm, tiêu chí hàng trăm năm nay của thế giới. Cho nên Việt Nam không thể tách khỏi những cơ sở chung ấy, mình phải công nhận những nhận định ấy có giá trị để tham khảo.

Cảnh báo từ cổ phiếu “biên lai” ảnh 4
Tâm trạng nhà đầu tư “nhảy” theo chỉ số VN-Index từ 12-16/3

Tôi vẫn cho rằng, thế giới đánh giá TTCK Việt Nam tăng trưởng quá cao và quá “nóng” là có cơ sở. Việc các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chậm lại, thận trọng hơn đã chứng minh cho những cảnh báo ấy.

Còn đánh giá chủ quan của từng giới, từng người cho rằng, báo cáo của IMF có sai sót chỉ là cảm tính, có lẽ do kỳ vọng quá nhiều vào TTCK đang mang lại lợi nhuận chóng mặt.

Chưa phải thị trường OTC đúng nghĩa

Ông có thể phân tích thuận lợi và rủi ro của TTCK Việt Nam hiện nay?

Thuận lợi là TTCK đang được mọi người chào đón “nồng nhiệt”. TTCK đã tác động và khiến dân chúng đem tiền nhà rỗi “cất giấu” lâu nay đưa vào làm kinh tế, giúp đồng vốn chuyển động, tạo ra  một kênh đầu tư, huy động vốn hấp dẫn đối với cả trong lẫn ngoài nước.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn vốn chỉ đổ vào TTCK thứ cấp để mua đi bán lại kiếm lời lẫn nhau. Mục đích lớn nhất là đầu tư vào sản xuất kinh doanh vẫn chưa đạt được. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thấy TTCK Việt Nam hấp dẫn nhưng chúng ta chưa có cách tiếp nhận dòng vốn khổng lồ này một cách hiệu quả.

Do đầu tư theo phong trào còn phổ biến nên rủi ro còn khá cao, thị trường có dấu hiệu thuận theo quy luật nhưng vẫn chưa ổn định, chắc chắn vì xóa đi tâm lý “bầy đàn” không thể một sớm một chiều, tăng giảm mạnh liên tục như tuần này rồi sẽ vẫn xảy ra.

Theo tôi, phải nghiêm cấm ngay việc buôn bán OTC dưới hình thức chỉ là biên nhận, quyền mua, thậm chí chỉ là lời hứa...

Những thứ đó không phải là tài sản thì sao mà mua bán được. OTC đang quá hỗn loạn và chưa có biện pháp nào quản lý khả thi.

Tôi lo ngại nhất là thông tin được công bố quá nhiễu, nhà đầu tư không biết tin vào nguồn nào. Giới truyền thông, báo chí cũng có trách nhiệm trong việc công bố thông tin trong thời gian vừa qua.

Phải chăng các cơ quan quản lý đang lúng túng với thị trường OTC?

Thật ra, thị trường OTC ở Việt Nam chỉ có tên gọi vậy thôi, chứ chưa phải OTC đúng nghĩa. OTC trên thế giới đều có tổ chức, khuôn khổ. Theo tôi, phải nghiêm cấm ngay việc buôn bán OTC dưới hình thức chỉ là biên nhận, quyền mua, thậm chí chỉ là lời hứa...

Những thứ đó không phải là tài sản thì sao mà mua bán được. Phải quy định ngay mua bán như trên là bất hợp pháp, là lừa đảo thì mọi người mới ý thức được nguy hiểm.

Có ai cho mua bán giấy tờ xe, biên nhận đóng tiền cọc nhà đâu mà để OTC giao dịch tràn lan như vậy? Hiện nay, OTC phần lớn mua bán trao tay, trực tiếp và nên gọi đây là thị trường mua bán CP trực tiếp. OTC đang quá hỗn loạn và chưa có biện pháp nào quản lý khả thi.

Luật Chứng khoán có những điều khoản để quản lý Cty đại chúng (đang chiếm đa số trên OTC) nhưng chưa quản nổi các Cty niêm yết, các Cty chứng khoán còn đuổi bớt các nhà đầu tư thì làm sao quản lý, kiểm soát nổi hàng ngàn Cty có CP OTC?

Vừa qua, có ý kiến phản đối mạnh mẽ những quy chế, biện pháp quản lý TTCK, còn ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Bất cứ quy định nào liên quan TTCK muốn khả thi đều phải đảm bảo hai yếu tố: Quyền lợi quốc gia và không làm tắt, giảm nguồn vốn đầu tư đang đổ vào. Vừa qua Moody’s nâng mức tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ là một điều tốt.

Tuy nhiên họ cũng “nhắc nhở” ta nhiều vấn đề về năng lực quản lý, điều hành tài chính sao cho khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trên tay tôi là tài liệu mà Moody’s vừa đưa ra. Họ cho rằng, sự ổn định của nền kinh tế, tài chính phụ thuộc vào chính sách, cơ chế  có hợp lý hay lỏng lẻo.

Từ đây, có thể hiểu là bất kỳ quy chế, quy định nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích hai phía, tạo sự đồng thuận cao và phù hợp với thực tế. Tôi nghĩ, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang tích cực, nỗ lực đi theo hướng đó. Vì thế nên việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt rút vốn hay TTCK sẽ sụt giảm mạnh, lâu dài có lẽ khó có thể xảy ra.

Cảm ơn ông.

Hà Phan
Thực hiện

MỚI - NÓNG