Cánh đồng mẫu lớn vẫn tắc đầu ra

Nông dân trồng lúa chủ yếu dựa vào thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân trồng lúa chủ yếu dựa vào thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
TP - Phần lớn các tỉnh thành trong cả nước đều đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn theo quyết định của Chính phủ, nhưng hiệu quả còn quá thấp so với kỳ vọng, người nông dân vẫn còn chịu cảnh được giá mất mùa - được mùa mất giá.

Những vấn đề này đã được đề cập tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện quyết định về mô hình cánh đồng mẫu lớn của Chính phủ, do Bộ NN&PTNT chủ trì ngày 10/11.

Cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung chủ yếu tại ĐBSCL, dưới sự hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các chuyên gia nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, hai năm qua có hàng ngàn mô hình cánh đồng mẫu lớn được xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha, trong đó ĐBSCL có diện tích thực hiện lớn nhất là 450.000 ha. Còn ở Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ nhưng cũng đã xây dựng được một số mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Qua thí điểm vụ hè thu 2014, tại 8 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, với sự tham gia của 17 doanh nghiệp, đã liên kết thông qua hợp đồng được 12.886 ha, trung bình một doanh nghiệp ký hợp đồng trên 805 ha, thực hiện thành công hợp đồng 9.923 ha, đạt 80%.

Dù các cánh đồng mẫu lớn đã hình thành, nhưng theo các tỉnh, cuộc sống của người nông dân vẫn chưa khấm khá hơn, ngành nông nghiệp vẫn chật vật. ĐBSCL đã có hàng trăm hecta cánh đồng mẫu lớn hình thành nhưng chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng. Còn các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Cạn vẫn chưa có doanh nghiệp nào có phương án tốt sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Tại Hưng Yên, sau ba năm vận động đã xây dựng được vùng nguyên liệu 35 ha, nhưng thực tế cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh này không có hợp đồng tiêu thụ, thành ra có cánh đồng mẫu lớn cũng như không...

Ông Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế nhận định: Chính sách phát triển cánh đồng mẫu lớn chưa tính đến sự đa dạng mô hình liên kết ở các vùng miền. Bởi vùng này sản xuất lúa, rau, thì vùng khác phải trồng cây ăn quả, không thể sản xuất cùng một loại nông sản gây dư thừa hàng hóa. 

Ba nhóm đối tượng tham gia liên kết cánh đồng lớn gồm: doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, miễn giảm tiền sử dụng đất... nhưng các đối tượng này chưa có sự gắn kết và hỗ trợ đầy đủ.

MỚI - NÓNG