Cảnh giác với những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động

Cảnh giác với những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động
TP - Cá nhân, doanh nghiệp không được tổ chức lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc, nhưng sau kỳ thi tiếng Hàn (ngày 25-4), tại nhiều địa phương xuất hiện đối tượng dụ người lao động đi Hàn, với chi phí cả trăm triệu đồng...
Cảnh giác với những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động ảnh 1
Lao động dự thi tiếng Hàn năm 2010

Theo phản ánh của anh Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên một trường THCS tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trước khi người nhà của anh tham dự kỳ thi tiếng Hàn đã phải đóng 3 triệu đồng để một đối tượng cò mồi lo lót việc thi cử tại phòng thi ở điểm thi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An). Dù đã đóng 3 triệu đồng, nhưng anh Phương - người nhà của anh Tuấn vẫn nắm chắc phần... trượt.

Được biết, không phải chỉ có anh Phương mà có thêm khoảng 10 người nữa (cùng thôn với anh Phương) đã đóng 3 triệu đồng cho đối tượng này để được lo lót chuyện thi cử.

Theo thầy giáo Tuấn, trước đó, đối tượng tự xưng là có quan hệ mật thiết với một số lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và đã đưa được người trong thôn đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép mới (EPS), nên nhiều người cả tin mình sẽ được đưa sang Hàn Quốc làm việc. “Những đối tượng này còn ra giá, mỗi người đi Hàn Quốc phải đóng thêm 150 đến 170 triệu đồng”.

Anh Huy ở TP Đà Nẵng cho biết, có người nhà quê ở huyện Xuân Trường (Nam Định) vừa tham dự kỳ thi tiếng Hàn tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng bị một số đối tượng tung tin là có quan hệ mật thiết với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và có thể lo lót việc đi Hàn Quốc.

“Họ ra giá, để thi đỗ và đi được Hàn Quốc, người nhà anh Huy phải đóng 170 triệu đồng” - Anh Huy cho biết.

Theo một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hiện không chỉ ở Hà Tĩnh và Nam Định có chuyện lừa đi Hàn Quốc mà ở hầu hết các tỉnh đều có hiện tượng này.

Để tránh bị lừa

Theo báo cáo, kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn vừa qua, có 29.249 thí sinh dự thi tại 5 tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).

Trao đổi với PV Tiền Phong, Ông Lee Myung Hee - Giám đốc HRD tại Việt Nam cho biết, theo quy định, các thí sinh đạt 80/200 điểm mới được công nhận đạt điểm sàn.

Tuy nhiên, căn cứ chỉ tiêu tiếp nhận hồ sơ đối với lao động Việt Nam năm 2010 từ phía Hàn Quốc, phương thức tuyển chọn là lấy điểm từ cao xuống thấp cho đủ 12.500 hồ sơ. Số hồ sơ này sẽ được gửi sang Hàn Quốc để các chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Số còn lại, nếu có nhu cầu đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc vẫn phải tham dự kỳ kiểm tra vào những năm sau.

Cũng theo ông Hee, trong số 12.500 hồ sơ gửi sang Hàn Quốc, trong năm 2010, Việt Nam cũng chỉ đưa được từ 4.000 - 5.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc đã là rất khá.

Như vậy, kể cả những thí sinh đạt điểm thi, cũng chưa chắc được sang Hàn Quốc làm việc trong năm nay. Mặt khác, người nào được chọn còn phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà, cá nhân, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ) không được phép đưa lao động sang Hàn Quốc.

Hiện chỉ có duy nhất Trung tâm lao động ngoài nước (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH) là đơn vị có chức năng đưa người lao động đi Hàn Quốc làm việc. Do đó, người lao động cần chú ý để tránh bị các tổ chức và cá nhân khác lừa đảo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, ngày 13-5-2010, kết quả kỳ thi tiếng Hàn sẽ được công bố rộng rãi. 

MỚI - NÓNG