Cạnh tranh cũng không dễ

Cạnh tranh cũng không dễ
TP - Dự kiến, quý 4 năm nay, tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có hai đơn vị cung cấp nhiên liệu bay cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, kiếm ăn ở lĩnh vực này không đơn giản...
Cạnh tranh cũng không dễ ảnh 1
70 phần trăm thị phần cung ứng nhiên liệu bay của Vinapco là cho công ty mẹ VNA - Ảnh: Bảo Khánh

Ngày 16/9, Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN) cho biết, vừa cấp phép cho Cty cổ phần nhiên liệu bay PJF (thuộc Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam -Petrolimex) cung cấp nhiên liệu bay tại các cảng hàng không. Trước mắt, PJF sẽ cung cấp nhiên liệu tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Giám đốc PJF Lê Văn Hướng: “Dự kiến đến quý 4 năm nay có thể tra nạp nhiên liệu cho các hãng bay ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tương lai, PJF sẽ triển khai thêm điểm tra nạp nhiên liệu ở sân bay Đà Nẵng, Nội Bài”.

Nhiều người đón nhận tin PJF được cấp giấy phép vì ám ảnh về câu chuyện Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific - JP) từng bị Cty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) ngừng cung cấp nhiên liệu khiến hàng chục máy bay tê liệt.

Việc có thêm một đơn vị cung cấp nhiên liệu bay là hiện thực hoá chủ trương điều tiết thị trường cung cấp dịch vụ hàng không theo nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh, tiến tới xoá bỏ tình trạng độc quyền kinh doanh.

Trước đó, CHKVN nhận được hai hồ sơ xin gia nhập thị trường xăng dầu hàng không của Cty Cổ phần nhiên liệu bay PJF và Cty Cổ phần Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco).

Chuyện này sau đó đã được Hội đồng Cạnh tranh mở phiên phân xử, Vinapco bị phạt hơn 3,3 tỷ đồng do vi phạm luật cạnh tranh.

Kể từ khi PJF có ý định tham gia thị phần cung cấp nhiên liệu bay, Vinapco đã chuyển mình. Việc đầu tiên, Vinapco thành lập phòng marketing và tích cực các hoạt động xúc tiến khách hàng. Cán bộ của đơn vị này đã triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng.

Rõ ràng, tâm lý bị cạnh tranh đã khiến Vinapco không thể kinh doanh kiểu một mình, một chợ như trước đây nữa.

Về phía PJF khi nhận được giấy phép đầu tư, mừng nhưng cũng lo. Bởi vì, Vinapco hiện cung cấp 100 phần trăm cho thị trường thì 70 phần trăm là cung cấp cho Vietnam Airlines (VNA - Cty mẹ), Jetstar Pacific và Indochina Airlines (ICA) 14 phần trăm, còn lại là cung cấp cho các hãng bay nước ngoài bay tới Việt Nam (hơn 40 hãng).

Như vậy, dù PJF tham gia thị trường thì đa số thị phần hiện nay vẫn là của Vinapco. Bởi vì, chả lẽ công ty mẹ VNA lại không mua nhiên liệu của công ty con Vinapco. JP và ICA như sức mua nhiên liệu hiện nay thì quá nhỏ.

Miếng bánh cung cấp nhiên liệu cho hơn 40 hãng bay nước ngoài là tiềm năng lớn nhưng hiện cũng chỉ chiếm khoảng 16 phần trăm. Có nhiều lý do để các hãng bay nước ngoài (bay tới Việt Nam) nhưng không mua nhiên liệu từ Vinapco.

Tổng GĐ Vinapco Nguyễn Hữu Phúc cho biết: “Những hãng bay này mua nhiên liệu ở nước ngoài vì giá rẻ hơn. Các nước đó người ta có nhà máy lọc dầu và bán dầu tại chỗ. Còn như Vinapco phải vận chuyển nhiên liệu về nước nên hao hụt nhiều.

Trong khi đó, sản lượng ít cũng khiến chi phí cao hơn. Đây cũng là một số nguyên nhân khiến giá nhiên liệu bay của Việt Nam cao hơn các nước khác”.

Hành khách hưởng lợi

Sở dĩ không có nhiều đơn vị xin tham gia thị trường cung cấp nhiên liệu bay vì điều kiện để được cấp phép ngặt nghèo. Bởi đây là lĩnh vực liên quan đến an toàn, an ninh hàng không. Hơn nữa, để có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện doanh nghiệp phải có mức đầu tư lớn.

Như trường hợp của PJF dù tận dụng hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển...của Petrolimex; chỉ mới xây kho, ba bể chứa nhiên liệu (3.700 m3) và hai xe tra nạp ở sân bay Tân Sơn Nhất đã ngốn khoảng 30 tỷ đồng. Chưa kể trong lúc hoạt động, nếu một hãng hàng không nào đó không trả nợ đúng hẹn cũng đã gây khó khăn về tài chính.

Bài toán khả dĩ mà PJF và Vinapco đang tính tới là thu hút hơn 40 hãng hàng không nước ngoài đang bay tới Việt Nam. Làm sao để các hãng đó mua nhiều nhiên liệu bay ở các sân bay Việt Nam (chứ không phải ở mức tiêu thụ khiêm tốn 16 phần trăm như hiện nay).

Tương lai, các nhà cung cấp nhiên liệu trông chờ vào sự sôi động của hàng không nội địa với nhiều hãng hoạt động. Sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giá và chất lượng nhiên liệu đang được hai doanh nghiệp này quan tâm hơn cả.

Đương nhiên, một khi giá nhiên liệu bay cạnh tranh sẽ dẫn tới giá vé máy bay cạnh tranh và hành khách sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Hãng bay Hà Dũng xin lỗi vì hủy chuyến hai ngày

Chiều 17/9, Hãng hàng không Indochina Airlines (ICA) do nhạc sỹ Hà Dũng làm Chủ tịch HĐQT công bố xin lỗi hành khách vì hủy các chuyến bay TPHCM - Hà Nội trong ngày 16 và 17/9.

Theo lý giải của ICA, ngày 15/9 phát sinh bất thường kế hoạch khai thác và kỹ thuật theo yêu cầu bảo dưỡng định kỳ, hãng này tạm dừng khai thác máy bay hai ngày. Hôm nay, ICA tiếp tục khai thác theo lịch bay thường lệ, tần suất hai chuyến khứ hồi TPHCM - Hà Nội.

Trong những ngày hủy chuyến, ICA đã hoàn tiền cho khách nếu không thực hiện tiếp hành trình; chuyển sang các chuyến bay cùng giờ của VNA; hỗ trợ đặt lại vé cho khách nối chuyến đi nước ngoài.

Hãng này cho biết, hành khách đã thông cảm và hài lòng với cách giải quyết của ICA. Đến nay, hãng này chưa nhận được bất kỳ ý kiến phàn nàn của hành khách.

Về tình hình tài chính và đảm bảo tài chính, ICA cho biết trong tám tháng khai thác dù hệ số sử dụng ghế tăng trưởng khả quan nhưng do cạnh tranh trên thị trường đã gây ra tình trạng doanh thu vận tải không đủ bù đắp chi khiến hoạt động gặp nhiều khó khăn.  

MỚI - NÓNG