Cạnh tranh quốc tế: Đâu là lợi thế của Việt Nam?

Cạnh tranh quốc tế: Đâu là lợi thế của Việt Nam?
Một trong những lợi thế cạnh tranh của VN thường được nói đến là nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nên "giải mã" để xem đây là lợi hay là nhược điểm của VN.
Cạnh tranh quốc tế: Đâu là lợi thế của Việt Nam? ảnh 1
Chi phí thấp là lợi thế của doanh nghiệp VN ( ảnh: D.Đ.M)

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, khi VN gia nhập WTO, DN VN có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới khi thuế quan được hạ thấp, các hạn chế định lượng được bãi bỏ. Về lâu dài, VN sẽ có vị thế bình đẳng, không còn bị chèn ép trong thương mại.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn cảnh báo các DN rằng kể cả khi VN gia nhập WTO vào cuối năm nay thì VN vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong 12 năm tới. Đây sẽ là một công cụ mà các nước phát triển tiếp tục áp đặt điều kiện, hạn ngạch, thưa kiện nhằm hạn chế DN VN. V

ì vậy, trong 12 năm tới, DN VN phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các vụ tranh chấp thương mại tốn kém. TS Lê Đăng Doanh hiến kế: Bên cạnh việc nhanh chóng đào tạo luật sư, chi tiền thuê luật sư để theo kiện thì VN phải vận động hành lang, phải thực sự đẩy mạnh cải cách từng bước để chứng minh VN là một nền kinh tế thị trường càng sớm càng tốt.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, các nhà thương thuyết của ngành ngoại giao và thương mại đang quá mải mê với việc thiết kế lịch trình giảm thuế quan hàng nhập mà chưa có kế hoạch "lợi dụng cơ hội do mậu dịch tự do đem lại".

Cụ thể đối với ngành nông nghiệp, giá cả của chúng ta hiện nay cao hơn so với Thái Lan, Trung Quốc do tốn nhiều chi phí, trả nhiều lệ phí, nhiều công gián tiếp lại không có nhãn hiệu uy tín quốc tế nên bán không được giá.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, nhiệm vụ của Nhà nước phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi điều kiện canh tác khắc nghiệt của vùng sâu, vùng xa, công nghệ sau thu hoạch).

Bên cạnh đó, phải quyết tâm cải tiến các chính sách, bãi bỏ những loại lệ phí vô lý để giảm bớt giá thành sản phẩm, bãi bỏ những ưu đãi với một thành phần kinh tế, cơ cấu lại các DN quốc doanh...

Nhân công rẻ, lợi thế hay nhược điểm?

Một trong những lợi thế cạnh tranh của VN thường được nói đến là nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nên "giải mã" để xem đây là lợi hay là nhược điểm của VN.

Lý do là giá nhân công rẻ đồng nghĩa với lao động tay nghề thấp. Như vậy, lợi thế này cũng chính là nhược điểm của lao động VN. Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài than phiền rằng khó tuyển dụng nhân sự cho ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, viễn thông...

Do đó VN khó có thể thu hút đầu tư vào những khu vực dịch vụ cao cấp mà VN, đặc biệt là TP.HCM đang rất cần để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng nội địa... là việc mà Nhà nước phải nhanh chóng thực hiện để "tạo chất" cho "lợi thế nhân công" mà VN đang có hiện nay.

Ông Phạm Đình Duy, Công ty Duy Mỹ, thì cho rằng, trên 90% DN vừa và nhỏ là lợi thế để tạo ra một trào lưu "sản phẩm chất lượng toàn cầu, giá cả VN" trong cuộc cạnh tranh sắp tới.

Theo ông Duy, lợi thế của các DN vừa và nhỏ là hệ thống quản lý khép kín. Nhờ đó có thể giảm chi phí ở nhiều khâu mà sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, các DN vừa và nhỏ sẽ thực hiện các sản phẩm chất lượng cao nhưng chi phí thấp để cạnh tranh khi hội nhập WTO.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Chinh, Tổng giám đốc FIDECO, Nhà nước phải xác lập một sân chơi bình đẳng để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. DN nhanh chóng xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với người tiêu dùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Nguyên Hằng
Thanh Niên

MỚI - NÓNG