Cấp bách đào tạo lao động thất nghiệp do dịch COVID-19

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 đã khiến cho khoảng 2,6 triệu lao động thất nghiệp, nhiều lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 đã khiến cho khoảng 2,6 triệu lao động thất nghiệp, nhiều lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên
TP - Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc đào tạo nghề cho lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo cần phải thay đổi phương thức, tránh tình trạng  “giải ngân cho có” hoặc “giải ngân để kiếm lợi”.

Bộ KH&ĐT vừa gửi tới các bộ, ngành nội dung dự thảo các chính sách hỗ trợ kinh tế lần 2. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nội dung dự thảo còn có đề xuất về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lao động có nhu cầu nâng cao tay nghề để tận dụng cơ hội thay đổi chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Chính sách này dự kiến do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện.

Theo dự thảo, đối tượng hỗ trợ gồm các lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động trẻ dưới 34 tuổi; các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục - đào tạo và bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Kinh phí đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời có thể xem xét sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng nằm ngoài quỹ này. Thời gian thực hiện đến hết năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 đã khiến cho khoảng 2,6 triệu lao động thất nghiệp, nhiều lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đào tạo lại và tăng cường kỹ năng cho người lao động, đặc biệt với những lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động trẻ.

Phương thức đào tạo cần cập nhật, thực chất

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, cách đào tạo nghề như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, do thời gian học của người lao động ngắn, không đúng ngành nghề, một số nơi đào tạo mang tính hình thức gây tốn kém, lãng phí.

“Trong tình hình này, việc đào tạo cần mang tính cấp bách và có độ lan toả rộng. Trong đó phải thay đổi cách thức đào tạo, có thể cho phép các hiệp hội, doanh nghiệp có chuyên môn tham gia đào tạo… Nội dung đào tạo cần cập nhật theo nhu cầu thay đổi của thị trường”, ông nói. Ông cho rằng, cần phải phân ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó chú ý một số lĩnh vực mới như bán hàng qua hệ thống thương mại điện tử, xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo các kỹ năng cho người lao động.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS, cho rằng, việc triển khai đào tạo dạy nghề đối với các lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 cần phải theo kiểu mới để khắc phục tình trạng “giải ngân cho có” hoặc “giải ngân để kiếm lợi”. Cụ thể, không giải ngân theo cách chuyển tiền xuống địa phương, doanh nghiệp để các cơ quan này tự tuyển dụng và đào tạo, thay vào đó, có thể phát cho người mất việc, lao động tự do, người thất nghiệp… các phiếu học nghề để họ tự tìm đến nơi đào tạo phù hợp với nhu cầu của họ.

Về phía cơ sở đào tạo nghề, sau khi tiếp nhận học viên, Nhà nước sẽ thanh toán chi phí đào tạo tương ứng với số phiếu học nghề thực tế. Từ đó, giảm được tình trạng móc ngoặc, các cơ sở và doanh nghiệp có thể cạnh tranh thu hút người học bằng đãi ngộ, bằng cơ hội việc làm hấp dẫn cho họ. Khi đó, sẽ tạo được thị trường đào tạo lao động có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách đúng nghĩa với hiệu quả lâu dài.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.