Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả

TPO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế không có người tham gia đối thoại

Ông Phan Thủy Xuân (xã Ea Ô, Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, việc phát triển y tế, giáo dục ở Tây Nguyên còn hạn chế, như dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở nhiều nơi, do người dân không được tiêm chủng đầy đủ. “Chính phủ đang có chính sách gì để phát triển giáo dục, y tế ở khu vực Tây Nguyên?”, ông Xuân nêu câu hỏi.

Với câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế trả lời, nhưng không có ai đứng dậy.

Theo ban tổ chức, danh sách đăng ký sẽ trả lời tại buổi đối thoại là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nhưng đại diện Bộ Y tế không xuất hiện và trả lời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê bình Bộ Y tế vắng mặt tại buổi đối thoại.


Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, qua 2 lần tổ chức, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. Đặc biệt, những bất cập trong xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo được nhiều chuyển biến tích cực; được nông dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ thực hiện.

Hội nghị lần này, khẳng định Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; luôn lắng nghe, thấu cảm những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân…

Ông Đỗ Ký Toán (trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), nêu câu hỏi, thời gian qua giá cà phê xuống rất thấp, nhiều người dân mong muốn chặt cây cà phê để trồng cây khác thay thế. Nông dân hiện nay có nên theo đuổi cây cà phê gắn với lịch sử vùng đất Tây Nguyên hay không? Chính phủ có định hướng gì giúp người dân chuyển đổi cây trồng hay không và định hướng được cây trồng chủ lực của người dân Tây Nguyên?

Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự đối với những tổ chức, cá nhân tiêu thụ phân bón giả.

Tiếp nhận câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Nhật Bản là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam; điều này chứng tỏ cà phê nước ta có chất lượng rất tốt. Chính phủ đã có những giải pháp như: Quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng; thâm canh tốt hơn nữa; không được phá rừng tự nhiên để trồng cà phê; phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê; các Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng và ổn định thị trường; cấp vốn để tái canh cà phê…

Thủ tướng cho rằng, sản phẩm chế biến cà phê vẫn còn thấp, mới chiếm 12% thị phần xuất khẩu… Cà phê ở Tây Nguyên, cà phê ở Đắk Lắk luôn luôn giữ thương hiệu quý hơn vàng để chúng ta luôn có sản phẩm tốt.

Bà Trần Thị Hoàng Anh (Gia Lai) nêu câu hỏi, để sản phẩm nông nghiệp an toàn, sắp tới đây Chính phủ và các Bộ, ngành có những giải pháp gì triệt để để chấm dứt tình trạng phân bón giả?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ sau 2016, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản thống nhất một đầu mối, do Bộ NNPTNT trực tiếp quản lý phân bón. Hàng năm Việt Nam cần hơn 10 triệu tấn phân bón các loại; hiện nay có 4 triệu tấn phân bón hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong 4 năm qua có bước phát triển rất nhanh (hiện có 125 nghìn ha sản xuất nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ).

"Chúng ta đang ngày càng hình thành theo hướng một nền nông nghiệp thông minh, một nền nông nghiệp sạch… Sản phẩm nông nghiệp chúng ta đang xuất khẩu đi 80 nước. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, về các quy trình, ứng dụng… hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, xuất khẩu”, ông Nguyễn Xuân Cương nói.

Trước câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự đối với những tổ chức, cá nhân tiêu thụ phân bón giả.


Hơn 1.400 câu hỏi gửi tới Thủ tướng

Theo ban tổ chức, có tới hơn 1.400 câu hỏi được gửi tới Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân lần thứ ba. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong thời gian gần nhất.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và báo Nông thông ngày nay/Dân Việt tổ chức thành công Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ ba.

Thông qua Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã trực tiếp nghe, giải đáp những vấn đề khó khăn, băn khoăn, vướng mắc mà các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đang gặp phải. Những nội dung chưa được giải đáp ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương sẽ nghiên cứu, xem xét và trả lời với bà con nông dân trong thời gian sớm nhất.

 Với rất nhiều vấn đề đối thoại quan trọng, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị đều có chung nhận định rằng, dù kết quả sản xuất, xuất khẩu có đạt được bao nhiêu cũng không có nhiều ý nghĩa nếu như đời sống của người nông dân không được cải thiện tương xứng, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 “Phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc chính là nội hàm quan trọng hàng đầu bản chất của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân càng giàu đất nước càng mạnh và thịnh vượng. Một khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045, chính là khát vọng của nền nông nghiệp Việt Nam, của người nông dân trên mọi miền tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, giải quyết vấn đề vốn, giãn nợ, giãm lãi suất, hoãn cho những hộ nông dân, những vùng thiên tai, bệnh tật xảy ra để người dân nhận được ứu đãi chính sách về tín dụng. Giải quyết vấn đề đất đai, nhất là bà con dân tộc thiễu số, ngăn chặn có hiệu quả các Nông lâm trường “phát canh thu tô” trong khi nông dân không đất sản xuất. Giải quyết những vấn đề môi trường sống, đất rừng, quy hoạch...


Trước giờ hội nghị chính thức, hàng trăm nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước đã có mặt. Trong tâm thế háo hức, nhiều nông dân đã chia sẻ tâm tư trước hội nghị đặc biệt quan trọng này.
Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả ảnh 4 Trong trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Êđê, ông Y Mắt Byă (xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ, vấn đề quan tâm nhất là giá cả nông sản. Điển hình như quả bơ, năm vừa rồi bơ Booth giá cao từ vài chục nghìn 1 ký nhưng nay chỉ còn 5-10 nghìn/kg bán lẻ. Ngoài ảnh hưởng dịch COVID-19, theo ông còn do diện tích bơ trồng quá nhiều, dẫn đến dư thừa.

Bà Hoàng Thị Hương, thôn Tam Hà, xã Cư Klông, huyện Krông Năng cho biết, cây cà phê từng cho thu nhập ổn định nhưng nay giá thấp, người trồng không có lãi. Nhiều nông dân đã chuyển sang đa canh các loại cây trồng khác theo hướng tự phát. Cụ thể năm nay, bơ ở Đắk Lắk rớt giá, bán không hết. Nông dân mong muốn kết nối với doanh nghiệp lớn tìm đầu ra ổn định, hướng đến xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả ảnh 5 Nông dân mong muốn giá cà phê tăng trở lại

Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk mong muốn, cùng với cà phê và hồ tiêu là cây trồng chủ lực. Trái cây Đắk Lắk cần được chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân. Ông mong cuộc đối thoại lần này, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, các đơn vị doanh nghiệp lớn tiếp tục quan tâm đến các sản phẩm của Đắk Lắk, làm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông cũng mong Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế, hành lang tốt nhất cho nông dân tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả ảnh 6 Trái cây Đắk Lắk cần được chú trọng nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân 

Hội nghị lần này tập trung vào việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhất là ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để bà con nông dân bày tỏ, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; Chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bức xúc của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đánh của nông dân và doanh nghiệp.

Hiện, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 2.200 câu hỏi do nông dân, hội nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí…gửi tới Thủ tướng. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, lần thứ 2 vào tháng 12/2019 tại TP. Cần Thơ.


(tiếp tục cập nhật)
MỚI - NÓNG