Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Cấp phép rồi “quên” là vô trách nhiệm!

Cấp phép rồi “quên” là vô trách nhiệm!
TPO - Theo ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc cơ quan chức năng cấp phép nhập sữa Yili vào Việt Nam nhưng không nhớ là đã cấp phép là vô trách nhiệm với người tiêu dùng.
Cấp phép rồi “quên” là vô trách nhiệm! ảnh 1
Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Người tiêu dùng cũng cần làm quen với việc đi kiện khi bị ảnh hưởng quyền lợi. Ông Thắng nói:

Sữa có chứa chất melamine ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em là vấn đề hết sức nghiêm trọng, trở thành sự kiện nóng thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên thế giới có nhập khẩu sữa từ Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã có quyết định cấm nhập khẩu, sử dụng loại sữa  có chứa melamine từ Trung Quốc.

Với người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo nên dừng việc sử dụng những loại sữa này. Thậm chí cả những loại thực phẩm có nguyên liệu sữa nhập khẩu từ Trung Quốc chúng tôi cũng khuyên hãy cảnh giác trong thời điểm này.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, đặc biệt Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, phải tiến hành thử nghiệm tất cả các loại sữa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng cần thử nghiệm, đánh giá chất lượng tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt những loại thực phẩm có nguồn gốc từ sữa.

Đối với việc nhập khẩu thực phẩm, trong đó có sữa, do nằm trong danh mục bắt buộc phải kiểm soát khi nhập khẩu, cần phải có sự kiểm soát thật sự chặt chẽ. Nếu chúng ta chỉ kiểm tra, kiểm soát thông qua các nhà nhập khẩu công bố chất lượng và qua hồ sơ thì không tốt. Về các nhà nhập khẩu ngoài những tiêu chuẩn cam kết theo đăng ký là không có melamine còn phải công bố tiêu chuẩn quốc gia của những nước sản xuất.

Việt Nam cũng cần đưa ra tiêu chí cho vấn đề nhập khẩu nếu không phù hợp thì không cho nhập khẩu. Ngoài ra cần phải giám sát bằng cách thử nghiệm ngẫu nhiên. Có như thế thì mới kiểm soát được. Cách quản lý của chúng ta là phải chủ động phòng ngừa chứ không thể để chạy theo giải quyết.

Một quan chức của Cục ATVSTP đã ký cấp phép nhập sữa Yili vào Việt Nam nhưng khi trả lời báo chí thì ông này lại “quên” việc cấp phép này. Đứng về phía quyền lợi người tiêu dùng ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi không theo dõi thông tin này. Nhưng nếu giả dụ các cơ quan quản lý cấp phép xong rồi bảo quên thì không được. Với cách thức làm như vừa qua chúng ta chỉ xem theo hồ sơ và không lấy mẫu thử nghiệm thì cũng khó biết được nếu như nhà nhập khẩu không khai báo lô hàng có chứa chất melamine.

Bởi cách thức lâu nay là chúng ta chỉ xem trong hồ sơ để cho phép nhập khẩu hàng. Nhưng nếu nói là quên vì cấp phép đã hai năm trước đó thì đúng là vô trách nhiệm với người tiêu dùng.

Những ngày qua báo chí cũng nói nhiều về sự gian lận của những cây xăng trong đo lường. Theo ông cần giải quyết vấn đề gian lận này thế nào?

Người tiêu dùng mà bị thiệt hại bị gian lận thương mại thì dứt khoát phải có bồi thường. Cái đó đã được quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là bồi thường như thế nào?

Lâu nay người tiêu dùng Việt Nam khi mua hàng lại không có thói quen lấy hoá đơn thì làm sao mà biết được mình mua xăng ở đâu, mua lúc nào,… để mà bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Đã đến lúc người tiêu dùng phải có thói quen đi khởi kiện, hoặc là trực tiếp khởi kiện hoặc là thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng thay mặt họ để đi khởi kiện. Đây là những điều suy nghĩ và đề xuất thôi chứ còn thực tế thì phải đưa vào trong luật.

 Phạm Tuyên
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG