Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Làm thực chứ không đưa các con số ra cho đẹp

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Làm thực chứ không đưa các con số ra cho đẹp
TPO - Tại cuộc họp của Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh sáng 13/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, gắn liền với công tác cải cách hành chính, cải cách thế chế, chính sách.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Làm thực chứ không đưa các con số ra cho đẹp ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cắt giảm phải là thực chất chứ không phải chỉ đưa các con số ra cho đẹp. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Cuộc họp tập trung đánh giá những tác động của việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời đánh giá những tác động của việc cắt giảm, đơn giản hóa đối với hoạt động quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Theo người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh tiêu chí rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương kiên trì thực hiện trên cơ sở 5 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh;

Thứ hai, tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Thứ tư, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Thứ năm, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

“Đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế. 675, 700 thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Phó phòng Xây dựng Pháp Luật – Ban Pháp chế của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI -  cho rằng việc cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua là mạnh mẽ và chưa từng có, đã tác động ngay và tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng băn khoăn về kế hoạch cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào; quá trình chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ triển khai từ bao giờ và thực hiện ra sao. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ xử lý thế nào đối với các Nghị định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Trước băn khoăn của Đại diện VCCI và Bộ Tư pháp về việc tại sao Bộ Công Thương không sớm có sự điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/NĐ -CP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định "không phải chúng tôi không làm mà là sẽ làm sau khi có sự rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng, đầy đủ bởi xăng dầu là một lĩnh vực có đặc trưng rất riêng, liên quan đến các các thành phần, lĩnh vực kinh tế của đất nước".

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang có nhiều băn khoăn nhưng có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát.

“Chúng ta không chỉ thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà là thay đổi tư duy quản lý. Nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì nguy cơ ‘trên cởi dưới nghẽn’ – mở cổng nhưng không trổ cửa là có thể thấy nhãn tiền”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.