Cắt giảm thuế làm tăng áp lực lên ngân sách

Cắt giảm thuế làm tăng áp lực lên ngân sách
10.600 dòng thuế nhập khẩu được đặt lên bàn đàm phán. VN buộc phải cắt giảm 22% so với mức hiện hành, theo cam kết với gần 30 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có yêu cầu đàm phán.
Cắt giảm thuế làm tăng áp lực lên ngân sách ảnh 1
Thuế nhập khẩu ngành dệt may sẽ bị cắt giảm tới 63,2% theo cam kết WTO. Ảnh: Vneconomy

Tháng 6 vừa qua, VN kết thúc đàm phán song phương về việc gia nhập WTO với các thành viên có yêu cầu. Hàng loạt vấn đề được đặt lên bàn đàm phán, trong đó thuế vẫn là một vấn đề căng thẳng và nhạy cảm.

Theo cam kết, VN sẽ cắt giảm 22% đối với các loại thuế nhập khẩu so với mức hiện hành. Lộ trình giảm được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO.

Các loại thuế nằm trong danh mục cắt giảm chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp (23,9%), nông nghiệp (10,6%). Nếu so với cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc, thì mức cắt giảm này ở VN mạnh hơn 4-7,6%.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, các mức thuế cắt giảm có biên độ khá rộng (2-63,2%) theo từng ngành hàng. Cao nhất là ngành dệt may (cắt tới 63,2% so với MFN), kế đến là cá và các sản phẩm cá (giảm 38,4%), ngành gỗ, giấy (giảm 32,8%), máy móc thiết bị điện (giảm 23,6%), da, cao su (giảm 21,5%) rồi đến nông sản (giảm 10,6%), kim loại, thiết bị vận tải… Thấp nhất là ngành hàng khoáng sản, giảm 2% so với mức thuế hiện hành.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ảnh hưởng từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO khá lớn, đặc biệt là đối với nguồn thu ngân sách. Nguồn thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện đang chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách (khoảng 13%). Khoản sụt giảm này ước tính lên tới 300 triệu USD cho cả giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO, tương đương với khoảng 4.800 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm, Nhà nước giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 6-10% số thu thuế nhập khẩu).

Theo Vneconomy

MỚI - NÓNG