Cây cà phê chết hàng loạt

Cây cà phê chết hàng loạt
TP - Bệnh thối rễ đang dồn hàng chục héc-ta cà phê 1 - 2 năm tuổi tại Nông trường Tây Hiếu 3 (Nghĩa Đàn – Nghệ An) đến chỗ chết. Công nhân bất lực đứng nhìn đồi cây khô héo, nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng.
Cây cà phê chết hàng loạt ảnh 1
Cà phê chết, công nhân đành gạt nước mắt nhổ bỏ

Năm 2005, anh Nguyễn Đình Doanh - Công nhân NTTH3 (thuộc Cty cao su, cà phê Nghệ An) phải phá 1,1 ha mía vụ 3 để trồng hơn 5.000 cây cà phê Catimo theo kế hoạch của Nông trường.

Lô cà phê đang xanh tốt bỗng vàng lá, chết hàng loạt. “Nguyên nhân, do cây bị bệnh thối rễ. Chúng tôi đã tưới cho mỗi gốc 1,5 lít thuốc Boóc-đô nhưng vẫn không cứu được”, anh Doanh cho biết.

Tại khu B Nông trường Tây Hiếu 3, cà phê khô héo chết đứng giữa đồi. Hộ Đào Xuân Sơn trồng 3.800 cây, chết gần nửa. Gia đình Lê Xuân Anh trồng 1,1 ha, từ tháng 8 đến nay nhiều cây không thể đâm chồi.

Hộ ông Cao Xuân Khánh có 6 sào, chết trụi. Anh Doanh chọn vài cây lá héo, nhổ lên xem, toàn bộ phần rễ đã mục nát. Đội Tân Tiên là một trong những điểm có diện tích chết nhiều nhất, bệnh thối rễ không chỉ tấn công cà phê 1-2 năm tuổi mà còn uy hiếp cả những lô đã cho thu hoạch.

Trước khi cây cà phê Catimo được ươm xuống vùng đất đỏ bazan, phần lớn diện tích đang được trồng cà phê vối. Do cà phê vối kém hiệu quả, nhiều hộ công nhân nhổ bỏ, trồng mía. Gần đây, nhổ mía trồng cà phê Catimo.

Vì sao lại thay đổi cơ cấu cây trồng như vậy? GĐ Nông trường Tây Hiếu 3 Nguyễn Đình Thiện giải thích: “Đây là chủ trương của tỉnh. Trên vùng đất đỏ bazan vùng Phủ Quì tuyệt đối không được trồng mía, mà phải thay thế mía bằng cà phê”.

Ông Thiện cho rằng Nông trường đã chấp hành đúng chủ trương của tỉnh và thực hiện đúng qui trình sản xuất. Năm 2004, đơn vị ông trồng 38 ha cà phê Catimo, năm 2005 trồng thêm 48 ha.

Số diện tích cà phê trồng năm 2004 bị chết quá nửa, chỉ còn lại 18 ha. Ngoài việc bỏ ra hàng nghìn lít thuốc bảo vệ thực vật để dập dịch, Nông trường cho công nhân trồng xen cao su trên những lô cà phê bị chết, với mật độ 500 cây/ha.

Hiện tại, Nông trường Tây Hiếu 3 đang chịu mọi chi phí cho việc trồng mới 86 ha cà phê trồng trong 2 năm 2004 – 2005 (cày bừa, giống, phân bón, thuốc hóa học…).

Công nhân nhận khoán, thanh toán vốn và lãi suất cho Nông trường khi cây thu hoạch quả. Như vậy, gánh nặng nợ nần sẽ đè lên vai người công nhân, nếu toàn bộ diện tích cà phê vừa trồng bị chết vì dịch bệnh.

“Chúng tôi đã làm thủ tục khoanh vốn, và được Cty cao su – cà phê chấp nhận”, ông Thiện nói. Nhưng thiệt hại hàng tỷ đồng trước mắt, ai phải chịu trách nhiệm?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.