CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng

CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng
TP - Thực sự thì người mới tiếp xúc không thể biết được chị Phạm Kim Dung - người phụ nữ mảnh mai sáng lập và là tổng giám đốc của tổ hợp 4 công ty khá đình đám lấy đâu ra đủ thời gian và sức lực để đảm đương một gánh nặng đến như thế.
CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng ảnh 1

Giờ thì 4 công ty của Phạm Kim Dung đã được biết đến rộng rãi. Đó là Công ty Truyền thông Sen Vàng (chuyên về dịch vụ Media, gameshow giải trí, sự kiện, truyền thông…), Công ty PGM (chuyên về dịch vụ nội dung số trên mạng viễn thông), Công ty Cổ phần Phim Mai Vàng (chuyên sản xuất phim) và Công ty Cổ phần Giải trí Sen Vàng (giữ bản quyền đưa thí sinh đi thi 10 cuộc thi sắc đẹp quốc tế trong đó có Miss World). Không chỉ có vậy, một vài dự án lớn nữa của chị chuẩn bị “ra lò”. Có cảm giác ở người phụ nữ trẻ này, mọi việc cứ băng băng.

Vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, khá xinh đẹp cùng với phong thái duyên dáng khi giao tiếp làm cho người đối diện có thể suy nghĩ đây là người phụ nữ sống trong nhung lụa hoặc được “thừa kế” sự nghiệp. Thực tế Dung “đi lên từ đầm lầy”, như cách chị nói! Phạm Kim Dung kể: “Gia đình tôi có 8 anh chị em, tuổi thơ cơm không đủ ăn, đã có thời gian phải sống xa nhau, có lúc ba má tôi gửi mấy anh chị ở nơi khác. Ý thức thoát nghèo của tôi từ năm 10 tuổi, khi mà tôi bắt đầu rời Miền Tây đặt chân lên Sài Gòn. Tôi đi học, phụ ba má may vá kiếm tiền, lớn một chút thì vừa đi học vừa làm thêm… Ba tôi cũng vì nghèo mà mất”.

CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng ảnh 2

Chị Dung tâm sự, hình như tuổi thơ quá sức nghèo khó đã cho chị thêm nghị lực hơn trong cuộc sống và công việc. Ngay khi vào đại học chị đã đi làm. Tốt nghiệp đại học chị cũng xin việc ở các doanh nghiệp để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm chờ khi có cơ hội là lập tức khởi nghiệp. Sự nỗ lực tự thân và việc chọn được những cộng sự tin cậy cùng chí hướng và nỗ lực như mình là bí quyết thành công của Dung. Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 mà Công ty Truyền thông Sen Vàng lần thứ hai là đối tác tổ chức cùng báo Tiền Phong (lần đầu năm 2014), một thành viên BTC thốt lên: “Kỳ lạ cho sức làm việc của người Sen Vàng. Dù gửi thư điện tử vào lúc 2, 3 hay 4 giờ sáng, gần như lập tức có ai đó trong “đội” Sen Vàng trả lời. Bản thân Tổng Giám đốc Phạm Kim Dung vào thời gian làm các sự kiện lớn như thế một ngày cũng chỉ ngủ chừng 4 tiếng đồng hồ. Với tinh thần và nỗ lực làm việc như vậy, chỉ trong hơn 5 năm, Sen Vàng đã vươn từ một công ty cấp thành phố, cấp vùng lên quy mô hoạt động cả nước, là đơn vị được mời tổ chức, đồng tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc thực hiện các sự kiện văn hoá lớn như Hoa hậu Việt Nam, Liên hoan Phim Việt Nam…

CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng ảnh 3

Có thể quá khứ nghèo khổ cũng để lại trong chị lòng trắc ẩn. Cuộc thi Người đẹp Nhân ái được coi là nét mới, là một trong những điểm sáng nhất của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 là do chính Sen Vàng của chị đề xuất và chủ trì thực hiện dựa trên định hướng của Ban Tổ chức cuộc thi phải phát triển cái gì đó mới mẻ và nhân văn. Chị và ê kíp đã đề nghị phát triển giải thưởng Người đẹp Nhân ái thành hẳn một cuộc thi, trong đó gần 40 thí sinh lọt vào vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam mỗi người triển khai một dự án thiện nguyện quy mô 150 - 200 triệu đồng mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư nghèo ở vùng núi, vùng sâu, xa, hải đảo ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhận trách nhiệm đặc trách cuộc thi này từ BTC, chị và cộng sự đã lăn lộn huy động kinh phí, lên kế hoạch dự án và thực hiện, để lại hình ảnh và những tình cảm hết sức tốt đẹp tại các địa phương nơi triển khai dự án.

CEO Phạm Kim Dung: Vai gầy, gánh nặng vẫn băng băng ảnh 4

Tâm huyết với công việc nhưng Phạm Kim Dung cũng không buông “mặt trận gia đình. Cái cách chị chăm lo cho người mẹ mắc trọng bệnh làm nhiều người bùi ngùi. Hay cách chị giáo dục cậu con trai.

Dung chia sẻ: “Tôi vô cùng nghiêm khắc với con, từng thời điểm phát triển ý thức của con tôi luôn đặt ra những nguyên tắc: Gặp người lớn nào con nhìn thấy thì đều phải chào, trong nhà thì chỗ nào có thể chơi, có thể nghịch, chỗ nào không được đụng đến; chơi thì tự chịu, nhỡ có té ngã là do mình; mua đồ chơi chỉ trong phạm vi số tiền nhỏ thôi, nếu lớn thì thời gian mua món kế tiếp sẽ cách xa; đồ dùng như cái cặp sách phải dùng đến khi rách mới mua mới. Năm học lớp 5, cháu xin tôi 20 ngàn để mua một quyển sách ủng hộ nhà trường, tôi đưa 100 ngàn và con hiểu là phải trả lại 80 ngàn tiền dư. Cháu mua bánh ăn với bạn và về chỉ còn 30 ngàn đưa lại. Hai mẹ con đã có một buổi kiểm điểm rất nghiêm khắc, từ đó cu cậu luôn hiểu chuyện chi tiêu phải đúng mục đích mình đề nghị và không bao giờ được vượt ngân sách”.

Bây giờ, con chị đã 15 tuổi, vợ chồng chị cho con mình biết rằng hiện tại cuộc sống của con rất tốt, điều kiện sống và học tập rất đầy đủ nhưng cuộc sống này đầy rủi ro và không ai có thể biết được ngày mai của mình thế nào, cho nên phải luôn cố gắng và nỗ lực. Hiện tại con trai chị đang dẫn đầu khối 10 tại trường quốc tế Canada, được giải thưởng của hiệu trưởng và năm học nào cũng được rất nhiều giải thưởng tại trường. Vợ chồng chị không thích con đi du học, nhưng vẫn đặt mục tiêu là nếu con lấy được học bổng 1 trong 5 trường danh tiếng mà ba mẹ đưa ra thì sẽ được đi.

Để có thể thành công và cống hiến được gì đó cho gia đình mình, cộng sự của mình, doanh nghiệp của mình và cả cuộc đời này thì phải nỗ lực, phấn đấu từng ngày, chị Phạm Kim Dung chia sẻ

MỚI - NÓNG