CEO trong thế giới phẳng

CEO trong thế giới phẳng
TP - Ngày 1/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “CEO trong thế giới phẳng”  với sự tham dự của hơn 600 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nghiệp và CEO (Chief Executive Officer- Giám đốc điều hành) ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
CEO trong thế giới phẳng ảnh 1
Ảnh minh họa

Hầu hết các bài tham luận của các đại biểu đều cho rằng: Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa  không chỉ yếu về vốn, công nghệ, năng lực cạnh tranh mà còn yếu cả về trình độ quản lý, nhận thức, tầm nhìn, năng lực điều hành.

Đây là một trở ngại rất lớn đối với Việt Nam trước khi bước qua ngưỡng cửa  WTO  để  vào “thế giới phẳng”.

Một tồn tại phổ biến ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay là quyền quản lý và quyền sở hữu chủ chưa được tách bạch rõ ràng, lãnh đạo vừa là chủ doanh nghiệp và là CEO nên khó phát huy được vai trò quản lý.

Trong khi đó, ở các doanh nghiệp Nhà nước, người nắm giữ trọng trách cao nhất cũng là công chức Nhà nước được bổ nhiệm chứ không phải CEO chuyên nghiệp được thuê bên ngoài.

Bà Lê Phương Phương- Chuyên gia đào tạo cao cấp đưa ra 6 kỹ năng đối với một CEO chuyên nghiệp, đó là kỹ năng tư duy độc lập có phản biện, tầm nhìn chiến lược và kỹ năng lãnh đạo; nắm vững luật và quy luật kinh doanh quốc tế; kỹ năng giao tiếp và kỹ năng trình bày; kỹ năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu; kỹ năng làm việc đội nhóm.

Ông Võ Thành Tân- Giám đốc doanh nghiệp tư nhân sách Thành Nghĩa định nghĩa về CEO chuyên nghiệp như sau: Phải biết tìm tòi, học hỏi, không được hy vọng bất kỳ sự trợ giúp nào.

Theo ông Tân, là doanh nghiệp, không ai không nghĩ đến lợi nhuận nhưng phải đặt ra câu hỏi: Lợi nhuận như thế nào là vừa? Ông Tân cho rằng doanh nghiệp làm ăn  giỏi là doanh nghiệp biết quản lý nhân viên bằng truyền thống văn hóa.

Theo một kết quả điều tra mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong số 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh thành trong cả nước, số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên chỉ chiếm 2,99% trong khi chủ doanh nghiệp có trình độ từ cấp 3 trở xuống chiếm đến 43,3%.

Đó là luôn chăm sóc người lao động. Ngoài ra phải coi đối tác là bạn trên tinh thần cùng hợp tác để tồn tại.

Trong nền kinh tế thị trường, người quản lý giỏi là người phải biết sống chung với áp lực cạnh tranh, không nên tính đến chuyện “ăn xổi ở thì”.

Khi đề cập đến vấn đề hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, ông Giản Tư Trung (Trường Doanh nhân PACE) nói: “Chúng ta không còn tính chuyện cùng nhau ra biển lớn mà thực sự biển lớn đang ở dưới chân chúng ta.

Trong một môi trường mở cửa, hội nhập như hiện nay, mỗi công dân Việt Nam là một công dân quốc tế. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải là doanh nghiệp quốc tế”. Ông Giản Tư Trung lấy ví dụ về Trung Quốc.

 Theo ông Trung, mỗi quả  trứng gà của người dân Trung Quốc đã là trứng gà quốc tế. Họ cung cấp trứng gà cho toàn thế giới với giá rẻ, dễ mua bán... Điều này họ làm được vì họ đã biến mình thành nông dân quốc tế.

MỚI - NÓNG