Cha con ông Trầm Bê rời khỏi Sacombank: Vì sao?

Ông Trầm Bê người đã thâu tóm Sacombank (ảnh lớn). Ông Trầm Bê (trên) cùng 3 con ở Sacombank. Ảnh: PV.
Ông Trầm Bê người đã thâu tóm Sacombank (ảnh lớn). Ông Trầm Bê (trên) cùng 3 con ở Sacombank. Ảnh: PV.
TP - Việc cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa ký giấy tờ tự nguyện rời vị trí, không còn tham gia vào điều hành Sacombank với  lý do “theo nguyện vọng cá nhân” cuối tuần qua khiến dư luận rộ lên đồn đoán. Tuy nhiên, đây là một kết thúc đã được dự báo trước.

Công khai chấm dứt quyền điều hành

Chiều 24/2/2017, thông tin phát đi cùng lúc từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng TMCP  Sài Gòn Thương tín-  Sacombank (mã chứng khoán STB- Hose) cùng nội dung: Cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hoàn vừa ký giấy tờ tự nguyện rời vị trí và không còn tham gia vào điều hành Sacombank kể từ thời điểm này.

Dường như “linh cảm” được tin xấu, ngay từ phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu STB đã giảm sàn và dư bán ngập tràn. “Kết thúc ngày giao dịch, Sacombank giảm hết cỡ”-  một nhà đầu tư chia sẻ.

Trên thực tế, đây là bước đi chấm dứt công khai điều hành, còn việc “chuyển giao” quyền sở hữu cổ phần Sacombank của  ông này  đã diễn ra hơn 1 năm về trước. Cụ thể, vào tháng 8/2015, tại công văn  chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank - PNB) vào Sacombank trên cơ sở tự nguyện của 2 ngân hàng này, NHNN công bố thông tin: “Ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan”.

Đặc biệt hơn, cũng tại công văn này, NHNN lưu ý: Ông Trầm Bê cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.

Theo thông tin công bố của Sacombank ngày 11/11/2015, HĐQT  ngân hàng  đã có quyết nghị “thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank theo nguyện vọng cá nhân”.

Cái giá của thâu tóm

Lần ngược theo mốc thời gian, quãng năm 2012- 2014, giới ngân hàng từng xôn xao trước thông tin Sacombank bị một nhóm cổ đông lớn thâu tóm. Quá  trình diễn ra từng bước một cho đến khi việc chuyển nhượng giữa các nhóm cổ đông lớn với nhau hoàn tất. Ván cờ chỉ “hạ” vào giờ chót khi nhân vật chính lộ diện là ông Trầm Bê, ông chủ đang sở hữu một phần lớn tại Ngân hàng Phương Nam lúc đó.

Nếu ví Sacombank là tấm áo lành lúc bây giờ thì Southern Bank chỉ như “vạt rách” khâu ghé vào. Cũng không phải chờ lâu, kết quả bi đát của Southern Bank lộ diện. Năm 2014, Southern Bank báo lãi vẻn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43 nghìn tỷ đồng dư nợ. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng chỉ còn lại 1,2 tỷ đồng nên đã không thể chia cổ tức cho cổ đông…

Còn tại Sacombank, khi ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT thì con trai Trầm Khải Hòa cũng là thành viên HĐQT. Tổng cộng đến hết năm 2013, ông và 3 người con đang nắm khoảng 6,8% cổ phần của Sacombank. Không chỉ vậy, một nửa số lãnh đạo cấp cao của Sacombank hiện nay là người cũ từ Southern Bank.

Cổ đông mới của Sacombank được người ta liệt kê ra bao gồm: cá nhân ông Trầm Bê, các thành viên trong gia đình và các DN gồm có Eximbank, Southern Bank và các CTCP đầu tư có liên quan tới các NH này như Đầu tư Sài Gòn Exim, Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu, CTCK Rồng Việt. Còn sau này, trong bản tin cập nhật ngày 24/2, công ty chứng khoán HSC ước tính, NHNN có thể đã nắm quyền kiểm soát trên mức 51%.

Cha con ông Trầm Bê rời khỏi Sacombank: Vì sao? ảnh 1

Ông Trầm Bê người đã thâu tóm Sacombank và tạo ra cuộc "hôn nhân" với ngân hàng đầm đìa nợ xấu Southern Bank.

Hậu “hôn nhân” bi đát

Cuối tháng 1/2017, trong phiên họp báo của NHNN,  Phó Chánh thanh tra – ông Nguyễn Hưng buột miệng chia sẻ: Năm 2017, sẽ có 5 ngân hàng trong diện yếu kém phải tái cơ cấu. Ngoài 3 ngân hàng 0 đồng, ông Hưng có nhắc đến hai cái tên là Đông Á Bank và Sacombank. Tuy nhiên, sau đó, ông Hưng đã đăng đàn để nói rõ Sacombank vẫn đang hoạt động tốt.

Sâu xa, ai cũng hiểu quan ngại của NHNN bởi sự an toàn hệ thống và mong muốn “ném chuột không để vỡ bình”.  Cũng đến giờ này, khách quan mà nói, giới ngân hàng và khối nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn đánh giá khá tốt Sacombank. “Về bản chất, “nội tại” của ngân hàng không xấu. Cuộc “hôn nhân” không cân xứng với Southern Bank do cha con ông Trầm Bê tạo ra mới là “thủ phạm” gây  hệ lụy cho ngân hàng”, một lãnh đạo công ty chứng khoán bình luận.

Còn mới đây, Công ty Chứng khoán Sài gòn (SSI) đã chỉ ra: Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của STB trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại Southern Bank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của STB giảm 63,8% xuống còn 532 tỷ đồng trong năm 2016 do thu nhập lãi ròng giảm và áp lực chi phí hoạt động kinh doanh tăng. Hệ số NIM của ngân hàng tiếp tục đà giảm từ năm 2012 với nguyên nhân chủ yếu do tài sản xấu gia tăng (tỷ lệ nợ xấu là 5,4% và lãi suất và phí phải thu chiếm 8% trên tổng tài sản).

“Sacombank vẫn chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu sau khi sáp nhập với Southern Bank và chất lượng tài sản đã trở nên xấu hơn. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4% vào cuối năm 2016, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành”, SSI lưu ý.

Thông tin của Công ty Chứng khoán HSC ngày 24/2 cũng cảnh báo: Đến giờ này, STB trở thành mã cổ phiếu “bí hiểm” khi chưa công bố báo cáo tài chính. “Được biết, Sacombank từ lâu đã kiến nghị UBCKNN có ngoại lệ do STB đang chờ kế hoạch tái cơ cấu được chấp thuận. Với quyết định này, có vẻ NHNN đã quyết tâm can thiệp nhiều hơn vào hoạt động của STB. NHNN cũng cho biết, ông Trầm Bê và các bên liên quan tiếp tục có trách nhiệm xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành”, HSC khẳng định.

Theo các chuyên gia ngân hàng, Sacombank thời ông Đặng Văn Thành (làm chủ tịch HĐQT), dù có nhiều khoản cho vay và đầu tư chéo Sacombank và các công ty thành viên trong Tập đoàn 
Thành Công của gia đình ông Thành, nhưng đây là một ngân hàng thuộc nhóm tốt nhất thị trường, có tình hình tài chính tốt và kinh doanh có lãi.

Sacombank sau khi được nhóm cổ đông mà đứng sau là ông Trầm Bê thâu tóm, theo một báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TPHCM, còn có cấu trúc sở hữu chéo phức tạp hơn nhiều, không chỉ liên quan tới các doanh nghiệp phi tài chính mà còn cả các ngân hàng thương mại khác.

MỚI - NÓNG