Chậm thanh toán hơn 100 triệu USD: Metro TPHCM suýt bị dừng thi công

Gói thầu 1b đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng nhưng đến nay TPHCM chưa thanh toán cho nhà thầu
Gói thầu 1b đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng nhưng đến nay TPHCM chưa thanh toán cho nhà thầu
TP - Trong bức thư gửi Bí thư Thành ủy TPHCM, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Umeda Kunio khẳng định, dự án buộc phải dừng thi công nếu khoản nợ hơn 100 triệu USD chưa được thanh toán...

“Tiền chưa trao, cháo… vẫn múc”

Theo Đại sứ Umeda Kunio, hợp đồng tư vấn quản lý thi công dự án tuyến metro số 1 của liên danh tư vấn NJPT đã hết thời hạn vào tháng 4/2017. Dù vậy, nhà thầu tư vấn buộc phải thực hiện công việc tư vấn mà không được chi trả thù lao suốt 19 tháng qua.

Điều đáng nói, mặc dù UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác hướng tới việc ký kết lại hợp đồng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, nhưng việc nghiên cứu xem xét sửa đổi hợp đồng nói trên không có tiến triển. Đến nay, số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu NJPT lên tới 20 triệu USD, ảnh hưởng đến việc thanh toán của nhà thầu này cho các nhà thầu khác.

Trong khi đó, gói thầu CP2 do Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco6 thi công đang chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng, dẫn tới việc liên danh nhà thầu này đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại (tháng 1/2018). Trách nhiệm này không thuộc nhà thầu nhưng Sở Tài chính lại đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng 1/2018 bị dừng lại. Ngoài ra, từ năm 2018, các gói thầu phải được Sở GTVT phê duyệt thiết kế. Việc thi công các gói thầu vẫn đang diễn ra nhưng việc thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành bị dừng lại.

Cuối tháng 6/2018, UBND TPHCM chỉ đạo cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) ký kết Biên bản ghi nhớ, tạm ứng thanh toán 80% nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với  PV Tiền Phong, đại diện Liên danh nhà thầu Shimizu-Meada thi công gói thầu 1b (đề nghị không nêu tên) cho biết, đến nay khối lượng thi công của gói thầu 1b đã đạt khoảng 70% với hai đường hầm đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị nhưng MAUR vẫn chưa thanh toán đồng nào cho nhà thầu. Tập đoàn Shinmizu (Nhật) đã phải tạm ứng trước 80 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng) để duy trì việc thi công gói thầu.

“Mọi người cứ nghĩ vì dự án thiếu vốn nên không có tiền thanh toán cho nhà thầu nhưng không phải vậy. Vướng mắc lớn nhất là dù UBND TPHCM sẵn sàng tạm ứng tiền, trong năm 2018 đã tạm ứng 1.000 tỷ đồng nhưng MAUR chỉ mới thanh toán 220 tỷ đồng cho các nhà thầu. MAUR có tiền trong túi nhưng không thanh toán. Tư vấn chung NJPT hết hạn hợp đồng. TPHCM 5 lần đàm phán gia hạn, mỗi lần mất 3-4 tháng nhưng không có kết quả”, đại diện Liên danh nhà thầu Shimizu-Meada nói.

Áp lực cho nhà thầu

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay muốn thanh toán hợp đồng tư vấn chung thì phải gia hạn hợp đồng, cụ thể là ký một phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thì kho bạc mới cho giải ngân.

“MAUR lúc ấy lo ngại gia hạn hợp đồng sẽ phát sinh nhiều chi phí khác nên không chịu ký mà cụ thể là ông Lê Nguyễn Minh Quang không ký. Phụ lục hợp đồng chỉ gia hạn thời gian để thanh toán qua kho bạc còn tất cả nội dung khác đều không thay đổi nhưng ông Quang cũng không chịu ký. Phía kho bạc cho biết Kiểm toán Nhà nước đã vào làm việc và cho phép giải ngân đúng theo phụ lục hợp đồng. Hợp đồng hết hạn thì phải gia hạn. Cứ lằng nhằng như vậy nên phải chờ trưởng ban mới để giải quyết”, ông Tuyến cho hay.

Trong thư gửi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân mới đây, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio bày tỏ: “Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn. Nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công”.

Theo Đại sứ Umeda Kunio, dự án tuyến metro số 1 được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản từ năm 2007. Việc chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh dẫn tới hệ quả dự án không được Chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách kể từ tháng 10/2017. Trong thời gian chờ đợi, UBND TPHCM cam kết tạm ứng thanh toán bằng ngân sách thành phố cho đến khi trung ương phân bổ ngân sách cho dự án. Thế nhưng, việc này chưa được triển khai dù Bộ Xây dựng đã có văn bản nêu ý kiến về việc có thể thanh toán chi phí thi công dù vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng.

Đại sứ Nhật đề nghị TPHCM chỉ đạo các bên liên quan xúc tiến thủ tục sớm nối lại việc thanh toán chi phí thi công kể từ sau tháng 1/2019 cho nhà thầu. Tính đến cuối tháng 10/ 2018, số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên tới hơn 100 triệu USD.

Gỡ nút thắt: Sẽ thanh toán trước tết...

Trong thư hồi đáp gửi Đại sứ Umeda Kunio, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ đẩy nhanh quy trình thanh toán sớm hơn 450 tỷ đồng cho các nhà thầu dự án tuyến metro số 1.

Trong cuộc gặp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nhật Bản Toshiko Abe chiều 18/1, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận: Dự án gặp một số vướng mắc liên quan thủ tục như việc gia hạn hợp đồng, tư cách pháp lý của liên danh, thẩm quyền thẩm định phê duyệt, quyết toán dự án... nên việc thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản bị chậm trễ. Trong lúc chờ điều chỉnh vốn, chính quyền thành phố sẽ tạm ứng vốn từ ngân sách để thanh toán khối lượng công việc nhà thầu thực hiện trong năm 2018 đầu năm 2019, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

“Thành phố sẽ cố gắng thanh toán nợ đọng trước Tết Nguyên đán (trước ngày 1/2) và đang nỗ lực đẩy nhanh công tác thanh toán và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu, hoàn thành dự án cuối năm 2020”, ông Phong nói.

Trước thiện chí của chủ tịch UBND TPHCM, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết việc cam kết giải ngân trước tết của ông Phong “là món quà lì xì tết ý nghĩa đối với Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản".

Mới đây, tân Trưởng Ban MAUR Bùi Xuân Cường đã kiến nghị UBND TPHCM tạm ứng (đợt 1, năm 2019) 2.248 tỷ đồng từ ngân sách để thanh toán và tạm ứng 80% cho các nhà thầu đã thực hiện công trình trong năm 2018.

Nhiều nhân sự chủ chốt MAUR trở lại làm việc

Sau khi UBND TPHCM miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban MAUR đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang và bổ nhiệm ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT làm tân Trưởng ban, nhiều nhân sự chủ chốt trước đó nộp đơn xin nghỉ việc đã rút đơn và trở lại làm việc bình thường. Cụ thể, ông Dương Hữu Hòa, Chủ tịch Công đoàn MAUR, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 thuộc MAUR đã lại làm việc. Trước đó ông Hòa xin nghỉ việc với lý do đi chữa bệnh. Ông Phan Nhật Linh, Trưởng Phòng Kế hoạch Hợp đồng MAUR cũng đi làm việc bình thường.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.