Chậm trả nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67: Ngư dân đối mặt nguy cơ hầu tòa

Con tàu vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng của ngư dân Phan Thu nay đành nằm bờ do hoạt động không hiệu quả
Con tàu vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng của ngư dân Phan Thu nay đành nằm bờ do hoạt động không hiệu quả
TP - Hàng loạt các chủ tàu cá đóng theo Nghị định (NĐ) 67 đang có nguy cơ đối mặt với tòa án bởi các ngân hàng đang lên kế hoạch xiết nợ và khởi kiện các trường hợp cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.  

Lấy gì trả nợ?

Ngư dân La Văn T. (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) cho biết, vào năm 2017, gia đình vay ngân hàng gần 8 tỷ đồng để đóng mới tàu cá xa bờ có công suất hơn 700CV. Sau hơn một năm ra khơi bám biển, chủ tàu 67 này làm ăn thua lỗ, do chi phí vận hành tàu thuyền cao. Đến nay, ông T. đành cho tàu nằm bờ và “ôm” số nợ quá hạn phải trả cho ngân hàng lên đến 1,4 tỷ đồng.

“Do sắm tàu lớn nên kinh phí duy tu, bảo dưỡng máy móc hằng tháng cũng rất nhiều, tàu cần nhiều nhân công vận hành, trong khi hải sản đánh bắt trên biển không được như trước. Tàu lớn, người làm nhiều, doanh thu tuy mỗi chuyến biển tăng hơn, nhưng thu không đủ bù chi, nên gia đình tôi quyết định cho tàu cá nằm bờ”, ông La Văn T. cho biết.

Cùng cảnh ngộ, con tàu vỏ thép số hiệu QNa 95997 TS công suất 822 CV trị giá 12 tỷ đồng của ngư dân Phan Thu (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nằm bờ đã 2 năm nay. Ông Thu cho hay, hiện số nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi của ông đã hơn chục tỷ đồng. Dù đã cố gắng vay nợ thêm, cải hoán tàu nhưng tàu hoạt động không hiệu quả, liên tiếp thua lỗ nên chủ tàu đành cho nằm bờ.

Đây là một trong những con tàu đầu tiên tại địa phương này được đóng theo Nghị định 67. Tháng 11/2015, tàu hạ thủy vươn khơi. Ông Thu cho hay, ban đầu tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp tuy nhiên, liên tiếp những chuyến vươn khơi kém hiệu quả nên ông chuyển sang nghề khai thác lươn biển. Song, nghề này cũng không tồn tại được lâu vì tàu to, máy lớn, chi phí nhiên liệu cao, trong khi sản lượng đánh bắt không đủ bù lỗ.

“Từ năm 2017 đến giờ, tàu không hoạt động được, không trả nợ cho ngân hàng nên xảy ra nợ xấu. Ngư dân chúng tôi giờ cũng hết cách, không làm được nữa, đề nghị các cấp thanh lý con tàu để thu hồi vốn”, ông Thu rầu rĩ nói.

Là người vay hơn 14 tỷ đồng của BIDV Chi nhánh Quảng Trị để đóng mới tàu vỏ thép theo NĐ 67, ngư dân Đ.V.D (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho biết, ông là một trong 10 chủ tàu đang nợ xấu. Lý do vì quá trình đánh bắt sản lượng thấp,… nên thu nhập không bù được chi phí dầu, đá và nhân công nên không có tiền trả nợ ngân hàng. Ngư dân D. bày tỏ mong muốn ngân hàng có phương án giãn nợ để giúp đỡ ngư dân. “Nếu ngân hàng khởi kiện, có thể tàu sẽ bị thu lại thì chúng tôi cũng đành chịu chứ không biết phải làm sao!”, ông D. nói.

Tàu to, nợ lớn

Ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Trị cho biết, ngân hàng này đã cho vay 178 tỷ đồng nhưng nợ xấu lên đến 144 tỷ đồng với số lượng 10 tàu đóng mới. Tình trạng chủ “tàu 67” nợ xấu đã kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì vậy, BIDV Quảng Trị dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu để xử lý nợ.

Ngày 30/10, BIDV Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã có thông báo gửi đến Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Trị về việc, nợ xấu cho vay đóng tàu theo NĐ 67 đang tăng cao, và đang hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện 10 chủ tàu vay vốn đóng tàu theo NĐ 67. Trước mắt, trong đợt 1 năm 2019, sẽ có 3 chủ tàu bị khởi kiện gồm ông Tr.V.H (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), ông Ng.V.T (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh), ông P.T.Đ (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).

Theo Sở NN& PTNT Quảng Nam, sau 5 năm triển khai NĐ 67, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ký kết các hợp đồng tín dụng, cho vay đóng mới 63 tàu cá. Trong đó có 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu composite với số tiền đã giải ngân gần 720 tỷ đồng. Đến nay có 6/63 tàu không hoạt động hoặc mất liên lạc do thiên tai, tai nạn, nằm bờ; 57 tàu còn lại thì nhiều tàu làm ăn kém hiệu quả, 19 tàu (chủ yếu là tàu vỏ thép) không có khả năng trả nợ. Hiện, tổng số nợ xấu mà các ngân hàng thống kê lên đến hơn 215 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Quảng Nam và các ngư dân, đại diện Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) - chi nhánh Quảng Nam cho biết, nếu người dân tìm ra được chủ dự án mới để có thể chuyển nhượng con tàu cho ngư dân khác có thể tiếp tục khai thác, vận hành thì phía ngân hàng sẵn sàng phối hợp hỗ trợ, chứ không thể nhận chuyển giao lại con tàu để tự thanh lý và tự bán được. Nếu ngư dân vẫn bỏ tàu và không hợp tác trong việc phối hợp xử lý thì phía ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện ngư dân và yêu cầu phải hoàn trả toàn bộ dư nợ vay theo quy định pháp luật.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, đến nay, dư nợ vốn cho vay đóng tàu theo NĐ 67 trong toàn tỉnh khoảng 255,8 tỷ đồng. Riêng số lượng ngư dân vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chi nhánh TT-Huế để đóng tàu theo NĐ 67 là 18 trường hợp, với tổng vốn hơn 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu nợ từ những chủ tàu này chỉ đạt hơn 4,2 tỷ đồng.

Theo nhận xét của một lãnh đạo ngân hàng, bên cạnh một vài tàu cá hoạt động không hiệu quả, hiện có nhiều chủ tàu 67 trên địa bàn TT-Huế vẫn làm ăn có lãi. Tuy nhiên, họ lại thiếu ý thức, trách nhiệm trả nợ, cũng như thực hiện các cam kết tín dụng, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, “chây ỳ” và không hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ.

“Để đảm bảo thu hồi nợ, đơn vị đã tính đến khả năng thu hồi tài sản là tàu cá, nếu chủ tàu không cho phương tiện hoạt động trở lại. Ngân hàng cũng sẽ khởi kiện các trường hợp ngư dân cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”, một lãnh đạo ngân hàng tham gia chương trình tín dụng theo NĐ 67 cho hay.

Tại Quảng Trị, BIDV là một trong hai ngân hàng cho vay đóng “tàu 67” nhiều nhất nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Ngư dân đã được vay vốn ưu đãi, bên cạnh quyền lợi thì phải thực hiện trách nhiệm trả nợ của mình. Việc khởi kiện là giải pháp bất đắc dĩ ngân hàng phải thực hiện để đảm bảo xử lý nợ theo quy định pháp luật. 

MỚI - NÓNG