Chặn công nhân Vinashin vì nợ 23 triệu USD

Chặn công nhân Vinashin vì nợ 23 triệu USD
TP - Nhiều người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp qua đường dây nóng phản ánh với Tiền Phong, Ban quản lý Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) đã ngăn chặn, không cho họ vào làm việc vì lý do 11 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nợ 23 triệu USD tiền thuê đất, tiền điện, nước...

> Không thể bỏ qua chuyện nợ triệu tỷ
> Hơn tám nghìn lao động Vinashin bị nợ BHXH

Một số lao động cho biết, sáng 16-1, Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu đã ra lệnh chặn ô tô của lãnh đạo và cấm công nhân các nhà máy thuộc các công ty con của Vinashin vào làm việc, do những đơn vị này còn nợ 23 triệu USD.

Ông Lê Chung - Giám đốc Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu cho biết, nguyên nhân không cho lãnh đạo và công nhân 11 đơn vị thuộc Vinashin vào KCN làm việc là vì những đơn vị này đã nợ tiền thuê đất và phí hạ tầng lâu ngày không chịu trả.

“Chính vì 11 đơn vị của Vinashin nợ quá nhiều khoản tiền nên Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu không có tiền để trả lương cho cán bộ công nhân viên”- ông Chung bức xúc.

Tại KCN Lai Vu hiện có 14 doanh nghiệp đang thuê. Trong đó, có 11 đơn vị thuộc Vinashin.

“3 Cty kia trả phí bình thường, còn 11 công ty thuộc Vinashin lại không chịu trả dù Cty đã đồng ý giảm xuống 60%. Hiện, tổng cộng các khoản nợ của 11 đơn vị Vinashin là vào khoảng 23 triệu USD”- ông Chung nói.

Theo tìm hiểu của PV, lãnh đạo và công nhân bị cấm cửa chủ yếu thuộc Cty cổ phần cơ khí chính xác Vinashin, Cty cổ phần Container Quốc tế Cas, Cty cổ phần Thép Vân Thái Vinashin, Nhà máy chế tạo ống thép xoắn Vinashin.

Một số doanh nghiệp cho biết, Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu đóng cổng KCN mà không báo trước.

“Ngày 14 và 15-1, KCN Lai Vu tự ý cắt nguồn cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp và sáng 16-1 họ còn phong tỏa các hoạt động ra vào KCN khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng” - vị lãnh đạo này nói tiếp.

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Cty cổ phần Cơ khí chính xác Vinashin cho biết, trước đó, ngày 7-12-2012, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Vinashin, Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuê đất và hoạt động trong KCN đã có buổi làm việc, thống nhất cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Qua đó, các bên thống nhất, các lô đất chưa đầu tư, đầu tư dang dở, hiện đang để trống không hoạt động, không có nhu cầu sử dụng, chưa thanh toán tiền thuê đất, thì các công ty phải phối hợp trả lại đất cho Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu trong quý I-2013.

Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu sẽ xây dựng lại đơn giá phí sử dụng cơ sở hạ tầng và các phí dịch vụ, thỏa thuận, đàm phán với từng đơn vị thuê đất trong KCN, đồng thời cung cấp trở lại các dịch vụ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến ngày 15-1, mặc dù Cty TNHH một thành viên KCN Lai Vu chưa làm việc với đại diện các doanh nghiệp trong KCN, nhưng họ đã tự phong tỏa, cắt nước, đóng cổng ngăn chặn các phương tiện ra vào KCN Lai Vu.

Trước đây, KCN Lai Vu do Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư, đến tháng 6-2010, được bàn giao lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Theo đề án tái cấu trúc của Chính phủ, Lai Vu là một trong những dự án mà PVN phải thoái vốn, do đầu tư ngoài ngành.

Ngày 17-1, một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho PV Tiền Phong biết, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) xung quanh vấn đề nợ lương, tiền bảo hiểm xã hội.

Vinashin và Vinalines đang nợ lương của NLĐ khoảng hơn 170 tỷ đồng và nợ tiền bảo hiểm xã hội khoảng hơn 240 tỷ đồng.

Theo vị lãnh đạo này, Vinashin và Vinalines đang gặp trở ngại trong việc vay tiền (lãi suất 0%) từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Vinalines có 5 tàu đang bị giữ tại nước ngoài, đời sống các thủy thủ trên tàu rất khó khăn.

“Nguyện vọng của các thủy thủ là muốn về nước sớm. Chính vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo vấn đề này với Thủ tướng, đồng thời đề nghị các đơn vị chủ tàu phải có biện pháp đưa anh em thuyền viên về nước sớm” - vị lãnh đạo nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.