Chặn đà tăng giá: Không nên áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính

Chặn đà tăng giá: Không nên áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính
“Dự báo giá năm 2005 - Những biện pháp bình ổn” là tên hội thảo do Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (24/3) tại Hà Nội.
Chặn đà tăng giá: Không nên áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính ảnh 1
Giá sắt lại tiếp tục tăng

Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI)  thay vì áp đặt các biện pháp hành chính,Chính phủ nên chuyển hướng theo cơ chế thị trường.

CPI tiếp tục tăng, có tạo ra mặt bằng giá mới?

Những ngày cuối cùng quý I/2005, mặt bằng giá cả có vẻ bề ngoài khá yên ắng bởi thông tin CPI tháng 3/2005 chỉ tăng 0,1%. Tuy nhiên, trên thực tế những mặt hàng trước đó đã có kế hoạch nằm trong lộ trình tăng giá như: than, điện, xi măng, phân bón hay nóng hơn là xăng dầu đều đang có khả năng tiếp tục tăng giá.

Theo dõi, biểu giá công bố của  “hộ” tiêu dùng lớn tuy không thay đổi nhưng khảo sát trên thị trường đã thấy xuất hiện một khoảng chênh nhất định. Từ thực tế này, tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Mùi (Viện trưởng Viện KHTC) đã lưu ý: “Các mặt hàng định tăng giá trong năm 2004 chưa tăng rồi tất yếu sẽ tăng”.

TS Võ Trí Thành, Viện NC Quản lý kinh tế VN khẳng định: CPI năm 2005 sẽ tăng trong khoảng trên dưới từ 6% -8%. Nhìn vào bức tranh giá cả toàn cầu đang diễn ra, với “giá nhiều mặt hàng trên thế giới đứng ở mức cao và biến động khó lường, nhiều ngành hàng trong nước kêu gào thảm thiết”, ông nhấn mạnh:

“Thời điểm can thiệp là rất đáng lưu ý.Trong ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước phải can thiệp vào một số thị trường riêng biệt. Tuy nhiên mức độ và cách thức can thiệp đến đâu thì nên dựa trên những phân tích về vai trò và tác động lan tỏa về mặt kinh tế- xã hội của mặt hàng hay loại hình dịch vụ khi có cú sốc giá cả”. 

Còn TS Trần Đình Thiên- Viện Nghiên cứu KTVN lại đưa ra quan điểm: Kiểm  soát lạm phát cần “dĩ độc trị độc”. Theo ông, việc tạo nên mặt bằng gía mới (khi các mặt hàng thiết yếu đều đang ngấp nghé tăng giá) trong giới hạn, mức độ nào đó đều rất cần thiết. Điều quan trọng là người dân không nên quá lo sợ mà sống trong áp lực tăng giá.

Còn Chính phủ trước sức ép tăng giá của than, dầu thô, sắt thép, phân bón cũng nên tính đến việc chủ động “nới dần” giá các mặt hàng, tránh gây sức ép kìm hãm độ nở trong nền kinh tế.

Nhìn chung, tại hội thảo nhiều quan điểm nhất trí: CPI năm 2005 sẽ ở khoảng  từ 6,5% – 7%.

Hãy để DN vận hành theo “vòng xoay” thị trường

Nói về giá cả các mặt hàng từ đầu năm đến nay, TS Nguyễn Thị Hiền, Ban Nghiên cứu Thủ tướng đã bức xúc chỉ ra những kém cỏi trong quản lý Nhà nước.

Bà đơn cử:“Xử lý dịch cúm gia cầm đáng lẽ Bộ NN&PTNT phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ kiểm dịch thì họ lại khuyến cáo người dân không nên duy trì việc ấp trứng vịt. Đây là một trong những lý do khiến đàn gia cầm nhanh chóng suy giảm, “đẩy” giá thực phẩm liên tục tăng cao”.

Theo bà Hiền, trong khi nên áp dụng các biện pháp giảm chi trong các cơ quan NN hoặc điều chỉnh linh hoạt “van” thuế nhập khẩu, kiểm soát thật chặt các mặt hàng độc quyền thì Nhà nước lại chú trọng việc buộc DN giảm chi phí hay không cho tăng giá. Việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ nên theo cơ chế thị trường nhiều hơn là  áp dụng các biện pháp hành chính.

Tương tự, PGS,TS Ngô Trí Long, Viện NCKH thị trường giá cả đã lưu ý các nhà quản lý và Chính phủ “phải tính đến yếu tố tăng giá đang có chiều hướng gia tăng để đồng thời  tận dụng cơ hội lạm phát chuyển mạnh sang điều hành chính sách vĩ  mô theo nguyên tắc thị trường một cách đầy đủ và thận trọng”.

Theo đó, ông Long nhấn mạnh:“Nhà nước hãy để các DN phản ứng giá cả theo nguyên tắc thị trường, chỉ cần có lộ trình sát sao để phanh hãm tác động chứ không nên kéo dài điều chỉnh giá cả gây bất ổn định, tạo xu hướng đầu cơ”.

Làm gì để thị trường với những mặt hàng như thuốc tân dược, thép, điện lực, than, xi măng được ổn định?

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí: Giải pháp ngắn hạn là theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, can thiệp kịp thời về giá, thuế một số mặt hàng chiến lược nhằm  giảm tốc độ tăng giá; hạn chế nạn đầu cơ tăng giá. Về lâu dài và cơ bản, chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ vẫn luôn là công cụ kiểm soát lạm phát hiệu quả nhất . 

MỚI - NÓNG