Chân dung tân Tổng giám đốc Viettel

Hiện, ngoài việc là Tổng giám đốc Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng MB và là thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex.

Theo tin từ Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay ông Hoàng Anh Xuân.

Chân dung tân Tổng giám đốc Viettel ảnh 1

Tân Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nguyên quán tại Bắc Ninh. Ông sinh năm 1962 tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia, thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Hùng đã có nhiều năm gắn bó tại Viettel và được giới truyền thông nhận định là "linh hồn Viettel - người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân”.

Năm 2012, ông Hùng được VnExpress bình chọn là 1 trong 50 người tiên phong của năm. VnExpress nhận xét: "Chỉ sau 4 năm tham gia thị trường, Viettel trở thành hiện tượng đặc biệt và là nhân tố tạo sự bùng nổ trên thị trường viễn thông Việt Nam. Ban lãnh đạo Viettel, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng, đã thành công trong chiến lược đưa dịch vụ viễn thông về nông thôn với mục tiêu bình dân hóa điện thoại di động. Với chiến lược này, Viettel là tập đoàn viễn thông đầu tiên về các tỉnh vùng sâu, vùng xa và cạnh tranh với những doanh nghiệp viễn thông ra đời trước đó; đồng thời tiến quân sang các thị trường châu Á, Phi và Mỹ Latin".

Cũng trong năm 2012, ông Hùng đã vinh dự được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 2000 đến năm 2013, doanh thu của Viettel tăng 3.033 lần, từ 53,7 tỷ đồng lên 162.886 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 28.086 lần, từ 1,25 tỷ đồng lên 35.086 tỷ đồng. Viettel chiếm gần ¾ tổng số kinh phí các doanh nghiệp quân đội đóng góp cho quốc phòng.

Năm 2013, Viettel tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng lưới. Tổng doanh thu của Viettel năm 2013 vượt VNPT hơn 43.886 tỷ đồng, số thuê bao duy trì trên mạng của Viettel cũng đã vượt VNPT hơn 13,8 triệu thuê bao.

Hiện Viettel có trên 50.000 trạm thu phát sóng (BTS), gần 180.000 km cáp quang, đã quang hóa gần 100% số xã trên cả nước; xây dựng thành công tuyến đường trục truyền dẫn nối 3 nước Đông Dương.

Bên cạnh nắm vị trí lãnh đạo tại Viettel, hiện ông Hùng còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex- Viettel và Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư quốc tế Viettel.

Theo báo cáo quản trị 2013 của MB, tính đến 31/12/2013, ông Hùng đang nắm 209.307 cổ phiếu MBB của ngân hàng Quân đội, vợ ông Hùng là bà Lương Thị Hải Hà cũng đang nắm 19.503 cổ phiếu ngân hàng này.

Ngoài ra, ông Hùng còn là người đại diện quản lý vốn góp của Viettel tại MB với tổng số cổ phiếu nắm giữ là hơn 168,84 triệu cổ phiếu.

Tại Vinaconex, ông Hùng là thành viên Hội đồng quản trị đơn vị này từ tháng 4/2009.

Tính đến 30/9/2013, ông Hùng đang nắm 10.000 cổ phiếu VCG của Vinaconex. Ông Hùng là người đại diện vốn cho Viettel tại công ty này với tổng số cổ phiếu nắm giữ là hơn 28,2 triệu cổ phiếu VCG.

Người nhà ông Hùng không nắm cổ phiếu VCG nào.

Tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu MBB và VCG lần lượt là 14.900 đồng/cổ phiếu và 14.600 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu ông Hùng đang nắm giữ tại 2 đơn vị này là hơn 3,26 tỷ đồng.

Theo Vân Hà

Theo BizLIVE
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.