Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà

Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà
TPO - Áo thun xanh, quần vải trắng, không cà vạt, nói năng nhỏ nhẹ, mộc mạc, cười hiền hiền. Đó là “ký họa” tỷ phú người Mỹ gốc Việt Trung Dung, 40 tuổi, ở ngoài đời.
Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà ảnh 1

Anh đã đầu tư vào V-Home Group, cái tên giản dị theo cách giải thích của anh: “V - Home” có nghĩa là “Về nhà”.

Cách đây gần hai năm, lần đầu tiên Trung Dung về thăm quê sau hơn 20 năm xa xứ, với vốn tiếng Việt nghèo nàn. Nói tiếng Việt được vài câu lại chen vào mấy câu tiếng Anh. Giờ đây, vốn tiếng Việt của Trung Dung đã khá lên rất nhiều. Bằng chứng là anh có thể nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Tổng Giám đốc tập đoàn V-Home Group - Ngôi nhà chung của nhiều doanh nhân người Việt tại Mỹ - chia sẻ: “V - Home ra đời là câu trả lời với việc trở về, trực tiếp góp sức xây dựng đất nước của chúng tôi. Hy vọng tôi sẽ là một ví dụ để những doanh nhân người Việt ở Mỹ cảm thấy yêu thích, cùng về Việt Nam làm việc với mình”.

Với ưu thế về công nghệ thông tin, hiện V-Home Group đang xúc tiến các dự án xây dựng trung tâm thương mại, một dự án tài chính với một ngân hàng có tiếng trong nước.

Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà ảnh 2 “Thế hệ 8X Việt Nam làm tôi hết sức nể phục bởi sự thông minh, kiến thức sâu rộng và sự tự tin của họ” Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà ảnh 3

Trung Dung cho biết: “Tôi đang trong quá trình tìm hiểu thị trường. Tiềm năng phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam rất lớn.

Việc gia công công nghệ cũng là một điều tốt vì qua đó mình mới hiểu được thị trường cần gì. Như Ấn Độ làm gia công công nghệ đã 30 năm rồi, nay họ mới hiểu thị trường thực sự cần gì”.

Tỷ phú giản dị

Gặp Trung Dung ngoài đời, không ai nghĩ anh đã từng là tỷ phú năm 33 tuổi và được báo chí Mỹ ca ngợi như là một  huyền thoại về sự thành đạt của một doanh nhân trẻ.

Trung Dung sinh năm 1967, rời Việt Nam khi 17 tuổi. Năm 1992, anh hoàn tất chương trình Tiến sỹ tại Đại học Boston (Mỹ).

Anh là nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Cty công nghệ OnDisplay và đã đưa OnDisplay trở thành Cty phần mềm lọt vào Top 10 doanh nghiệp bán cổ phiếu lần đầu thành công nhất ở Mỹ năm 1999.

Năm 2000, OnDisplay được Vignette Corporation mua lại với giá 1,8 tỷ USD.

Anh là nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Cty Fogbreak, nơi cung cấp những giải pháp cho việc quản lý các mối quan hệ sản xuất gia công phần mềm.

Năm 2005, anh thành lập tập đoàn V-Home Group, một Cty đầu tư tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Các thành viên trong Hội đồng quản trị gồm những doanh nhân người Mỹ gốc Việt thành đạt.

Trung Dung vừa được nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt 2006 của báo điện tử VietnamNet.

Hiện anh là thành viên Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Điều khá lạ, khi đã sở hữu một gia tài 1,8 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu của OnDisplay, Trung Dung không nghỉ ngơi để tận hưởng cuộc sống vương giả như nhiều người tưởng.

Trái lại, anh tiếp tục đầu tư tiền để thành lập một Cty mang tên Fogbreak với khát vọng phát triển nó thành một Cty phần mềm lớn ngang ngửa People Soft của Mỹ.

Trụ sở chính của Fogbreak ở Mỹ chỉ là một vài phòng nhỏ với thiết kế giản dị, không có lấy một thư ký. Trung Dung giải thích, không có thư ký và văn phòng sang trọng để tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Giàu có, nhưng vẫn miệt mài làm việc, bởi anh cho rằng, với số tiền mà mình kiếm được, dù ít dù nhiều anh có thể làm được bao nhiêu điều tốt cho quê hương.

“Thất bại là mẹ thành công”

Không có một doanh nhân thành đạt nào không gặp những thất bại khi khởi nghiệp. Trung Dung cũng vậy. Thất bại đầu tiên của Trung Dung chính là sự ra đi của các đồng nghiệp những ngày đầu bước vào thương trường.

Lúc mới thành lập Cty, anh mời một vài người Mỹ thành đạt hợp tác. Họ hợp tác với Trung Dung khoảng 5- 6 tháng, rồi bỏ đi. Sự ra đi của họ đã gây sốc đối với Trung Dung vì OnDisplay khi đó chỉ là một Cty nhỏ, mà những người chủ chốt thì lại ra đi cả.

Sau hai ba lần thất bại như vậy, Trung Dung mới nhận ra điểm yếu của mình, đó là chưa có kinh nghiệm thể hiện ý đồ. Rút kinh nghiệm, sau đó, anh đã thuyết phục đối tác tin tưởng vào các dự án tiếp theo của mình.

Chàng trai gốc Việt sở hữu 1,8 tỷ USD về nhà ảnh 4

Và để thành công, anh đã đúc kết cho mình ba kinh nghiệm. Thứ nhất là đầu tư thời gian, thứ hai là luôn kích thích sự tò mò và thứ ba là không nản chí.

Nếu như mọi người làm việc 8 tiếng một ngày thì với Trung Dung, đó có thể là 16 tiếng. Trung Dung rất tâm đắc với câu châm ngôn: “Thất bại là mẹ thành công” vì mỗi lần thất bại, anh lại không nản chí và quyết làm cho bằng được.

Được làm việc với các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X tại Việt Nam, Trung Dung rất thích thú.

Những gì mà Trung Dung cảm nhận được ở các bạn trẻ là họ có những nét rất giống với anh những ngày đầu đặt chân lên đất khách quê người: Tự tin và muốn làm gì là làm cho tới cùng. Chính sự tự tin đó là yếu tố quyết định dẫn tới thành công của anh ngày hôm nay.  

MỚI - NÓNG