Chất lượng hàng hoá: Đầy rẫy vi phạm

Chất lượng hàng hoá: Đầy rẫy vi phạm
Xăng nhiễm aceton và không đủ định lượng; sắt thép xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn; hàng hoá vi phạm về chất lượng cũng như ghi nhãn... Đây là vấn đề bức xúc trong dư luận người tiêu dùng.
Chất lượng hàng hoá: Đầy rẫy vi phạm ảnh 1
Sắt thép xây dựng đang là mặt hàng báo động về vi phạm chất lượng và nhãn mác (ảnh có tính chất minh hoạ).

Vì thế, một cuộc tổng kiểm tra trên quy mô toàn quốc đã được Bộ KHCN đề xuất.

Sai từ định lượng, chất lượng đến nhãn mác

Rất đáng lo ngại về thị trường tiêu dùng hiện nay, khi mà tất cả các vấn đề về định lượng, chất lượng, nhãn mác... đều có những vi phạm lớn.

Có thể kể ra hàng loạt các vụ như vi phạm của Cty Đức Giang Vina về thiết bị điện; hàng chục cơ sở sản xuất bánh trung thu bị ngừng sản xuất, thu hồi sản phẩm; hàng chục ngàn tấn xăng có chứa aceton; xăng không đủ tiêu chuẩn bị phát hiện...

Tuy nhiên, đằng sau những vụ việc bị phát hiện là cả hệ thống phân phối trên thị trường đang có xu hướng gia tăng những vi phạm.

Một chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng cho biết: Vấn đề định lượng xăng dầu vẫn đang là điểm nóng khi khảo sát mới đây của Hiệp hội NTD cho rằng mỗi năm, các DN kinh doanh xăng dầu móc túi NTD hơn 500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, câu trả lời đối với NTD là vì sao aceton (chất không có sẵn trong dầu tự nhiên) lại có trong xăng vẫn còn bỏ ngỏ.

Một vấn đề khác đang nóng trong dư luận là câu chuyện về "sữa tươi". Ông Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (TCĐLCL) khẳng định: Việc bán sữa hoàn nguyên, song lại ghi nhãn "sữa tươi" là đánh lừa NTD.

Một lĩnh vực được báo động khác là chất lượng và nhãn hàng là các loại sắt thép. Theo báo cáo của các địa phương, hiện có rất nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất thép dưới dạng làng nghề tại Bắc Ninh, Hà Tây, Thái Nguyên...

Báo cáo này cho biết, hầu hết lượng sắt thép khoảng gần 1 triệu tấn này không đạt chất lượng. Ngoài ra, lượng thép này còn vi phạm về kích thước, nhãn hiệu hàng hoá; thậm chí là hàng giả, nhái sản phẩm của các thương hiệu có tiếng như Tisco, VUC...

Bên cạnh đó, vấn đề được cảnh báo sớm là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Chuyên gia về tiêu chuẩn cảnh báo vi phạm trong ngành hàng này sẽ càng bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán, theo dự báo sẽ lên đến gần 20% sản phẩm...

Tất cả những yếu tố này đã khiến thị trường không lành mạnh, thậm chí còn gây thiệt hại lớn cho DN và NTD.

Chậm triển khai vì chờ kế hoạch

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 10.2006, trọng tâm của đợt tổng kiểm tra là xăng dầu, sắt thép xây dựng và các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Bộ KHCN cho biết: Bộ đã có công văn gửi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, đề nghị các sở KHCN làm đầu mối, phối hợp với hải quan, biên phòng, công an và quản lý thị trường để đồng loạt kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tuy nhiên cho đến ngày16.10, đợt tổng kiểm tra đã chưa thể thực hiện vì vướng mắc trong kế hoạch thực thi. Theo thông tin từ các địa phương, mặc dù đã nhận được công văn của Bộ KHCN, song các lực lượng liên quan còn chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố.

Ông Trịnh Minh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL TPHCM - cho biết: "Đợt thanh kiểm tra này chưa thể tiến hành ngay trong tuần này, do phải chuẩn bị kế hoạch, lực lượng thanh kiểm tra và cần có sự phối hợp giữa các ngành".

Còn ông Nguyễn Xuân Trực - Chánh thanh tra Sở KHCN TPHCM cho biết: "Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM...".

Các địa phương khác cũng trong tình trạng chờ đợi kế hoạch và chỉ đạo đồng bộ cả từ phía UBND tỉnh, thành phố và kế hoạch theo chuyên đề từ Bộ KHCN.

Cũng theo phản ánh từ phía NTD cũng như các cơ quan chức năng thì việc tiến hành tổng kiểm tra hàng hoá trên toàn quốc là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, thời gian dự kiến cho đợt kiểm tra này sẽ phải lùi đến đầu tháng 11.2006.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.